Tôn tạo di tích Gò Đống Thây: Bảo tồn di sản văn hóa

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây là việc làm ý nghĩa, thiết thực; sau khi dự án hoàn thành, nơi đây sẽ là một khu di tích, một công viên có ý nghĩa lịch sử ở phía Tây Hà Nội; góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa...

Hình ảnh di tích gò Đống Thây trước năm 2000
Hình ảnh di tích gò Đống Thây trước năm 2000

Nơi ghi dấu lịch sử

Di tích Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) là một địa danh lịch sử oai hùng của dân tộc ta. Khu di tích đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 993-QĐ ngày 28/9/1990. Nhiều năm qua, di tích đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Khu vực Gò Đống Thây xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng nghìn năm, miền đất này được Nhân dân khai hoang đất thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm “Kẻ Mọc” gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Con đường chính chạy qua làng chính là đường Thượng đạo để vào Kinh đô Thăng Long - con đường Lai Kinh chạy qua các làng Mọc và cầu Nhân Mục để vào thành Thăng Long…

Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Quốc gia Đại Việt lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hoá), tập hợp được sức mạnh của toàn dân anh dũng chống lại quân xâm lược trải ngót 10 năm gian khổ “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Tôn tạo di tích Gò Đống Thây: Bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 1

Sau hai trận đánh oanh liệt năm 1426 kể trên, Nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Đảm bảo công khai, minh bạch quy trình, trình tự pháp lý của dự án

Với những giá trị đặc biệt kể trên, cùng với việc di tích Gò Đống Thây đã được xếp hạng cấp Quốc gia, thì việc lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc làm cấp thiết.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng, sau khi được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, các văn bản chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND TP Hà Nội và các quy định pháp luật khác có liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch các quy trình và trình tự pháp lý của dự án.

Có thể khẳng định việc tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây là việc làm ý nghĩa, thiết thực của địa phương. Sau khi dự án hoàn thành, nơi đây sẽ là một khu di tích, một công viên có ý nghĩa lịch sử ở phía Tây Hà Nội, thu hút Nhân dân đến tham quan và nhớ lại chiến công giữ nước của cha ông ta. Cùng đó, góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của quận Thanh Xuân nói riêng và Thủ đô nói chung, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.