Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổn thất 1.200 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, gây thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn có thể đảo ngược quy trình này nếu có kế hoạch chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và nước ngọt sẽ là những rủi ro hàng đầu đe dọa thế giới trong năm 2014.

Ước tính mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm kinh tế thế giới tổn thất 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 1.200 tỷ USD. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 và lên tới 11% GDP ở những nước nghèo trên thế giới.

 
Tổn thất 1.200 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Cánh đồng bị khô nẻ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)
Các nhà bảo vệ môi trường cũng chỉ ra rằng những tác động của biến đổi khí hậu không loại trừ bất cứ quốc gia nào và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân cũng như mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của biến đổi khí hậu là sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị, giao thông vận tải, sản xuất năng lượng và y tế.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng cho rằng một số nước, đặc biệt là các quốc gia phương Bắc, có thể thu được nguồn lợi nếu biết cách khai thác tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo nhà kinh tế học Sergei Hestanov, nhiệt độ hàng năm tăng nhẹ sẽ giúp Nga mở rộng diện tích canh tác, thu hẹp diện tích các khu vực bị đóng băng và giảm bớt một phần nhu cầu sử dụng năng lượng.

Trên thực tế trong thập kỷ qua, băng tan nhanh đã giúp Nga khai thác tuyến hàng hải phương Bắc, mở ra huyết mạch hàng hải mới an toàn và ngắn hơn nhiều so với tuyến hải vận truyền thống đi qua kênh đào Suez.

Cũng tại hội nghị, giới nghiên cứu khí hậu kêu gọi chính quyền các nước sớm đưa ra các biện pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả với hiện tượng nóng lên của Trái Đất, trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc phát triển cơ sở hạ tầng ven biển.