Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn trọng tối đa “phần cứng” quy hoạch

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh tình trạng khiếu kiện trong phân khúc căn hộ chung cư, việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong điều chỉnh quy hoạch cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

 
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao không ít dự án phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần?

- Việc thay đổi quy hoạch của một dự án là chuyện bình thường. Ngay cả đối với nhà dân, dù có giấy phép xây dựng rồi nhưng nếu có yêu cầu thay đổi vẫn được xem xét cho phép điều chỉnh. Thời gian qua, có nhiều dự án đang trong quá trình thực hiện do có khó khăn về yếu tố khách quan đã phải điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng tình hình thực tế. Nhưng vẫn khó tránh khỏi một vài vấn đề được cho là chưa hợp lý, bởi không ít dự án sau khi điều chỉnh bỗng được nâng tầng, hoặc nhiều nhà cao tầng xây dựng san sát trên một khu đất.

Cá nhân tôi cho rằng, dù thay đổi một hay nhiều lần thì việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo chỉ tiêu về quy hoạch theo đúng quy chuẩn. Nghĩa là phần cứng quy hoạch (giữ nguyên) và phần mềm quy hoạch (có thể điều chỉnh) phải khớp nối với nhau. Giải pháp tối ưu là nâng cao chất lượng quy hoạch, hạn chế tối đa sự thay đổi, điều chỉnh không cần thiết.

Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

- Quy hoạch muốn đảm bảo tính chất dài lâu phải tương thích phần cứng và phần mềm quy hoạch. “Phần cứng” là hạ tầng kỹ thuật, không gian vật chất để phục vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Và “phần mềm” là ý thức, kiến thức, văn hóa, quản lý Nhà nước và quyền lực của Nhân dân cần được hài hòa để sống tốt, công bằng xã hội và tính bền vững. Trong khi đó, ở nước ta, mặc dù cho điều chỉnh nhưng chưa phân biệt rõ phần cứng và mềm trong quy hoạch. Tình trạng này dẫn tới phần mềm và phần cứng sẽ “cọc cạch”, dẫn tới đô thị sẽ không phát triển lành mạnh và càng khó phát triển đô thị bền vững.

Vậy, theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc lấy ý kiến cộng đồng để trả lời, giải trình, công khai các ý kiến này tới đâu?

- Theo quy định về trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng của Luật Xây dựng 2014, việc quyết định điều chỉnh bao gồm: Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng lập báo cáo nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng; Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch xây dựng những nội dung điều chỉnh. Nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng phải được công bố công khai.

Dù vậy, thực tế việc lấy ý kiến cộng đồng còn mang tính hình thức. Chủ thể lấy ý kiến không có văn bản thể chế hóa, chỉ quy định ý kiến của cộng đồng. Tuy nhiên, “ý kiến của cộng đồng” là những ai: Người dân, tổ chức hay hiệp hội chuyên ngành quy hoạch? Về phương pháp lấy ý kiến cũng tương tự, vẫn còn rất chung chung.

Điều chỉnh quy hoạch là chuyện lớn có tác động đến cả một khu vực dân cư. Vì vậy, cần điều tra xã hội học một cách chỉn chu. Cá nhân/tổ chức nào nên tham vấn, xin ý kiến. Không phải hình thức một vài người theo kiểu “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi”.

Xin cảm ơn ông!

Người dân tham khảo sa bàn quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải