Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh các nghệ nhân làng nghề Thủ đô

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 28/2, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 cho 40 cá nhân. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự và trao bằng nghệ nhân cho các cá nhân đạt danh hiệu.

Hà Nội hiện đã công nhận 319 làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội trên tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai, Nga và một số nước châu Á, Đông Nam Á.

Để ghi nhận công lao của các nghệ nhân, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội tại Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND. Thực hiện quy chế này, trong đợt vinh danh nghệ nhân làng nghề 2023, Sở Công Thương đã nhận được 46 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 của 13 quận, huyện, thị xã.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm gốm sứ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan trải nghiệm gốm sứ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam

Sau khi xem xét từng hồ sơ, đối chiếu và so sánh với các tiêu chuẩn nghệ nhân, kết quả có 40 cá nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Điều 3 Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội được xét tặng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ sau khi ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đến nay, trải qua 15 năm với 7 lần xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã xét tặng được 290 nghệ nhân Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao bằng nghệ nhân cho các cá nhân đạt danh hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao bằng nghệ nhân cho các cá nhân đạt danh hiệu. Ảnh: Hoài Nam

Các nghệ nhân sau khi được phong tặng Nghệ nhân Hà Nội được hưởng các quyền lợi như được UBND TP Hà Nội cấp Bằng chứng nhận “Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ” kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng và huy hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.

Những nghệ nhân này được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của các học viên, được miễn thuế thu nhập khi chuyển nhượng mẫu mã sáng tác cho đơn vị, cá nhân sản xuất. Đồng thời được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn  cũng như việc thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ…

Khách du lịch tham quan trải nghiệm gốm sứ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan trải nghiệm gốm sứ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để các làng nghề phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội  xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân; tổ chức các cuộc thi thợ giỏi để lựa chọn tạo dựng lớp nghệ nhân kế cận. Đồng thời tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phát triển mẫu mã sản phẩm cho các nghệ nhân làng nghề.

Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền công tác phát triển Nghệ nhân Hà nội tại các làng nghề làm nòng cốt phát triển “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống”. Riêng với các nghệ nhân tích cực tham gia đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề và tích cực nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư công nghệ sản xuất mới từ đó đưa ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô.