Chương trình có sự tham gia của 90 gia đình văn hoá tiêu biểu của các quận, huyện, thị xã trên địa bản Thủ đô.
Đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào cuộc sống
Ngày 28/1/2022, Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Năm 2019, Sở VH&TT Hà Nội đã lựa chọn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VHTT&L tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì.
Thực tế, trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ tiêu chí đã vướng phải không ít hạn chế như ở các vùng xa do địa hình, dân cư thưa gây khó khăn trong việc triển khai, tuyên truyền. Trong bối cảnh đó, nhiều quận, huyện, thị xã đã có cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền, đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nhiên chia sẻ: Trong hai năm 2019 và 2020, phường Khương Trung được Sở VH&TT Hà Nội chọn làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình.
Quận Thanh Xuân đã triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại Tổ dân phố số 4 và 12 với 300 gia đình ký cam kết thực hiện theo 4 nhóm đối tượng: Ứng xử giữa vợ chồng; cha mẹ với con cái; ông, bà với cháu và anh, chị, em.
Đặc biệt, Chi bộ Tổ dân phố số 4 và số 12 đã có Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với nội dung kết hợp xây dựng Tổ dân phố văn hóa “Năm không” gồm: Không rác; không có vi phạm pháp luật; không xảy ra trường hợp cháy nổ; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng gắn với thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Qua đó nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh văn hóa từ trong gia đình đến toàn tổ dân phố.
Cùng với những thuận lợi, kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Trần Thị Nhiên nhìn nhận: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh, một số vụ việc bạo lực gia đình đáng báo động, cho thấy bộ tiêu chí thực sự cần thiết.
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phường Khương Trung sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả các nội dung trong tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình… nhằm đạt được mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Còn tại huyện Ba Vì, để đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào cuộc sống, huyện đã kết hợp thực hiện xây dựng “Gia đình văn hoá”, “làng văn hoá” với thí điểm Bộ tiêu chí nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét phong trào xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh: Tại Hà Nội, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm và có các văn bản hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, TP đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các hoạt động về tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc.
Những hoạt động này được cụ thể trong các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triền văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với các trọng tâm xây dựng gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá.
Bám sát chỉ đạo của TP, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, các quận, huyện, thị xã đã có những hoạt động thiết thực như: Thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nêu gương người tốt việc tốt; xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hoá tiêu biểu, gia đình hạnh phúc, tổ dân phố, thôn làng văn hoá, cộng đồng văn hoá, cộng đồng hạnh phúc.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: “Kỷ niệm 10 năm thực hiện đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2023 với chủ đề “hạnh phúc cho mọi người” là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô với nhiệm vụ quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triền Thủ đô, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành TP “văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Qua đó đánh giá và tiếp tục có giải pháp quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra như về công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc, tổ dân phố - thôn làng văn hoá - cộng đồng hạnh phúc; công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
"Để Ngày Quốc tế hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng chung tay kế thừa , phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc, của Thăng Long nghìn năm văn hiến” - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh bày tỏ.
Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại hội nghị của Liên Hợp quốc (năm 2012) theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á. Ngày Quốc tế hạnh phúc tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần mà còn là ngày hành động, tích cực, nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất .