Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế để kiểm soát tham nhũng

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy” - Đây là yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020 diễn ra sáng 12/12.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN khẳng định, công tác PCTN đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế để kiểm soát tham nhũng - Ảnh 1
  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị. Ảnh:TTXVN
“Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Đồng thời khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và PCTN cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để đảm bảo “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng. 
Nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. 
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu; tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội… 
Để khắc phục những tồn tại trên, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước cho rằng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN.
“Tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thế, thiết thực, hiệu quả. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. 
Nhấn mạnh PCTN là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước yêu cầu, tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp uỷ, tổ chức Đảng và đảng viên phải coi công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Cùng với nêu gương thì phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng. “Thể chế nói chung, thể chế về PCTN nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực. Cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Vì vậy, phải khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đâu tranh PCTN. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”  - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tệ tham nhũng vặt; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và kiện toàn xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng,với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi và góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân.