Khi nghe tin bác Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần - người dân Phương Trung, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ai nấy ngậm ngùi tiếc nhớ một vị lãnh đạo, một ân nhân của làng.
Giữa thời điểm Đại Lộc đang căng mình chống dịch, nguyện vọng đến Hà Nội viếng hương bác Phiêu là không thể. Chỉ còn lại niềm tiếc nhớ, tri ân sâu sắc cùng nén tâm nhang mà người Phương Trung dành vĩnh biệt bác Lê Khả Phiêu, người “khai sinh” một làng mới Phương Trung cách đây 21 năm. Dấu ấn của ông luôn sâu đậm trong lòng người dân nơi đây.
Đã hơn hai thập kỷ rồi mà lão nông Nguyễn Văn Mười ở làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn còn thảng thốt mỗi khi nhớ lại cơn đại hồng thủy năm 1999. Chưa bao giờ ông thấy trận lũ nào khủng khiếp như thế. Trời mưa như trút nước hai ngày liền, nước từ trên nguồn đổ về, dâng cao và bao quanh khắp làng.
Chập choạng tối, phía ngoài bờ sông vang lên tiếng ầm ầm vì đất lở. Nhà cửa như những chiếc bè giữa biển nước mênh mông. Cả làng hốt hoảng bỏ nhà để chạy lên gò đất cao, ngay lập tức lũ đã cuốn trôi cả làng. Sau lũ lụt, Phương Trung tan hoang như vừa trải qua một trận bom B.52 rải thảm thời chiến tranh: hơn 1/3 nhà cửa, 2/3 tài sản có giá trị, 20 héc ta đất sản xuất bị cuốn trôi, bồi lấp, 2 người bị chết và nhiều người bị thương…
Làng mạc, vườn tược bị xé nát thành kênh rạch. Nhiều căn nhà kiên cố chỉ còn trơ lại vài mảng tường toang hoác. Ngôi làng yên bình và thơ mộng bên dòng Vu Gia phút chốc chìm đắm trong không khí tang thương. Hàng trăm hộ dân Phương Trung lâm cảnh “màn trời chiếu đất”.
Bà Nguyễn Thị Mai, Bí thư Chi bộ thôn Phương Trung lúc bấy giờ, nhớ lại: Trong thời điểm khốn khó ấy, Phương Trung đã nhận được sự sẻ chia lớn lao của đồng bào mọi miền đất nước. Đặc biệt, vào chiều 16/11/1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đáp trực thăng về Đại Lộc và trực tiếp đến thăm hỏi, động viên nhân dân Phương Trung.
Dân làng chẳng thể nào tin nổi vào mắt mình khi được chứng kiến hình ảnh vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, khi mà nước sông Vu Gia còn đỏ ngầu phù sa, vừa bước xuống chiếc bo bo, đã xắn quần cao, chân đất nhanh nhẹn lội bùn, băng qua những bờ tre lở vào thăm nhiều nhà dân đổ sụp, thiệt hại nặng nề trong cơn đại hồng thủy.
Bác Phiêu ôm lấy 3 cháu Khánh – Vân - Lệ đang để tang mẹ là chị Nguyễn Thị Thúy không may thiệt mạng do lũ dữ. Đứng giữa làng bị lở, bác Phiêu chia sẻ nỗi đau thương của người dân.
Ông ân cần căn dặn bà con cứ yên lòng, bên cạnh bà con luôn có Đảng và Nhà nước; quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ là không để người dân nào bị đói, bị rét sau trận thiên tai khủng khiếp này. Cán bộ và nhân dân phải tiếp nhận và phân phối tốt tiền, hàng cứu trợ, động viên cho được tinh thần tự giúp nhau, tự cứu tại chỗ, tự lực tự cường sớm vượt qua cơn hiểm nghèo.
Thời điểm khắc phục lũ lụt cũng là lúc chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, thử thách vừa qua sẽ giúp bà con chọn đúng những cán bộ, đảng viên và quần chúng biết “vì dân quên mình” để bầu vào cơ quan dân cử. Ông cũng chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời có những hành động cụ thể, thiết thực giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ngay sau chuyến thăm đáng nhớ ấy, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đề nghị Bộ Quốc phòng vận động cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đóng góp xây dựng làng mới Phương Trung. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100 hộ gia đình trong làng đã được bố trí đất đai, được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở mới tại Gò Cóc, thôn Phú Hương.
Nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung lúc ấy là Trợ lý của bác Phiêu sốt sắng vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất cần thiết cho làng, kể cả từng quả bóng, tấm lưới đánh bóng chuyền cho thanh, thiếu niên.
Hàng năm, mặc dù ở xa song không Tết nào làng Phương Trung lại thiếu vắng quà và lời thăm hỏi của bác Phiêu, khi thì thiếu tướng Nguyễn Chí Trung chuyển, lúc Cục Quản trị T26 trực tiếp mang đến tận nơi. Chính tình cảm và sự động viên quý báu của bác Phiêu đã tiếp thêm sức mạnh và nguồn sinh lực để người dân Phương Trung gượng dậy sau lũ, nỗ lực xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày càng khởi sắc.
Hai mươi mốt năm qua, làng mới Phương Trung đổi thay từng ngày. Làng có 215 hộ, nhà cửa khang trang, sạch đẹp; đường thôn được bê tông khang trang. Có hơn 100 lao động làm công nhân tại Cụm công nghiệp Đại Quang và các vùng phụ cận, thu nhập từ 6-7 triệu đồng/ tháng.
Đáng chú ý, dù định cư ở làng mới, song người dân vẫn bám đất làng cũ, biến những mảnh vườn xơ xác, tiêu điều năm xưa do cơn đại hồng thủy thành những vườn cây ăn quả có giá trị và cho thu nhập cao như chôm chôm, dừa, mít, bưởi....
Phương Trung cũng vừa thành lập Tổ hợp tác phát triển chuyên sản xuất mít Thái da xanh, ban đầu có 50 hội viên nông dân tham gia. Với mô hình này người dân có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vốn vay của Nhà nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ mới trong trồng trọt, đảm bảo đầu ra của sản phẩm, nâng cao mức thu nhập của gia đình.
Ông Đoàn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho hay, địa phương đã khảo sát, phân vùng trồng cây ăn quả cụ thể với từng đối tượng cây trồng và được người dân Phương Trung đồng tình, hưởng ứng, hướng đến hình thành làng du lịch sinh thái cộng đồng trong tương lai gần.
Có được cuộc sống ổn định ngày hôm nay, làng Phương Trung biết ơn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông Trần Văn Sơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phương Trung cho biết, sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 11.1999, bác Phiêu còn có 3 chuyến về thăm làng vào các năm 2004, 2013 và 2016.
Ông Sơn bồi hồi nhớ lại lần cuối cùng bác Phiêu về thăm làng cách đây 4 năm. Cũng như các lần trước đó, lần ấy người làng Phương Trung đón tiếp bác Phiêu về thăm không chỉ với cương vị của một người từng giữ trọng trách cao nhất của Đảng mà còn với tấm lòng biết ơn vị ân nhân của làng.
Trong chuyến thăm này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tặng nhân dân làng Phương Trung 1 tivi và 5 phần quà cho 3 hộ nghèo và 2 gia đình chính sách. Trong buổi nói chuyện với dân làng, bác Phiêu bày tỏ sự cảm động trước những tình cảm chân thành mà bà con nhân dân nơi đây dành cho mình và vui mừng trước sự đổi mới đi lên của Phương Trung.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ: “Dù tuổi cao, sức khỏe không được tốt như trước song tôi vẫn cố gắng về xem đời sống bà con như thế nào. Được biết đời sống nhân dân có khá lên, có những người thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm là điều rất đáng mừng.
Nhưng đó cũng chỉ là ta nói với ta, chứ nói với những khu vực lân cận thì ta còn yếu lắm. Tôi mong mỏi làm sao để cuộc sống bà con tốt lên, mong là các cấp chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con nơi đây. Bản thân người dân Phương Trung cố gắng phát triển sản xuất để không còn tỷ lệ hộ nghèo, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Giờ đây, khi cùng cả đất Quảng gồng mình chống đại dịch Covid - 19 như từng chống chọi với cơn hồng thủy năm nào, người dân Phương Trung rất đỗi bàng hoàng và thương tiếc khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa đi xa./