Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã để lại những dấu ấn cá nhân sâu đậm

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân; đã sống một cuộc đời vì nước, vì dân; để lại những dấu ấn cá nhân sâu đậm”- Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực

14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn giữ phong thái giản dị, điềm đạm và hết sức khiêm tốn. Trong lòng dân, Tổng Bí thư là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Xin ông chia sẻ những cảm nhận của mình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Với mỗi người lãnh đạo, có hai tiêu chí lớn, quan trọng để mọi người đưa ra để nhận xét, đánh giá là đức và tài. Đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, về tài chỉ cần đọc những trang tiểu sử, với nhiều cương vị hết sức trọng trách mà đồng chí đã được Đảng và Nhân dân giao phó chúng ta có thấy rõ. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn sẽ có những đánh giá sâu sắc, đầy đủ và lịch sử sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Về đức, những cái mà người dân bình thường và những người sống ở gần đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều có thể cảm nhận rõ, đó là đạo đức của đồng chí được thể hiện rất rõ, từ trong công việc cho tới sinh hoạt đời thường. Trong những ngày này, chúng ta luôn bắt gặp những lời bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương của cán bộ và Nhân dân, rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã làm việc, đã hiến dâng cho tới hơi thở cuối cùng. Cả cuộc đời làm việc, lo toan, trăn trở; chưa có được một ngày nghỉ ngơi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chúc Tết người dân Thủ đô Hà Nội tại Đền Ngọc Sơn, dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Duy Linh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chúc Tết người dân Thủ đô Hà Nội tại Đền Ngọc Sơn, dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Duy Linh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức trong sáng, “dĩ công vi thượng”, một lòng một dạ vì Đảng, vì dân. Đồng chí là nhà lãnh đạo hết sức tiêu biểu về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là người đã thực hiện những điều này hết sức mẫu mực. Những điều này không phải là sự nhìn nhận thoáng qua, ngày một ngày hai, mà trên mọi cương vị công tác: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư và nói chung trong suốt cả cuộc đời hoạt động của đồng chí.

Nói về tấm gương đạo đức của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không khó khăn hay phải phân tích, giải thích, chứng minh gì nhiều. Chỉ cần nhìn phong cách, sinh hoạt, ăn ở, đi lại, tiếp xúc với Nhân dân, từ cái áo, cái cặp, cái kính đeo hằng ngày... là thấy rất rõ. Tôi biết, chiếc áo khoác, chiếc kính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng có lẽ đã mấy chục năm hay là cái cặp làm việc của đồng chí cũng vậy. Tất cả đều thể hiện một ý thức, tác phong giản dị, quần chúng, rất dễ gần.

Khi tiếp xúc, không phải vì tôi có sự quen biết, gần gũi trong công việc nhiều năm; mà với người khác cũng vậy. Gặp đồng chí Nguyễn Phú Trọng cảm nhận trước hết không phải như với một người lãnh đạo cấp cao, mà là cảm nhận về sự gần gũi, thân mật, chân tình. Cảm nhận ấy tỏa ra từ chính con người đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là phong cách rất nhất quán, tự nhiên, xuất phát từ bản chất con người đồng chí.

Những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình phát triển của đất nước đã được thể hiện rất rõ trong thực tế, như Nghị quyết XIII của Đảng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên quốc tế như ngày nay”. Cá nhân ông đã có nhiều nhiều năm được làm việc, tiếp xúc trực tiếp với Tổng Bí thư, để nói về điểm nhấn trong dấu ấn của Tổng Bí thư, ông sẽ nói đề điều gì?

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận bao trùm và sâu sắc đối với tôi, đồng chí là nhà lãnh đạo đã có những cống hiến to lớn, để lại dấu ấn rất sâu đậm trong công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng và mở rộng quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với những nước lớn. Đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất phong phú và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đối ngoại, quốc phòng an ninh... Ở lĩnh vực nào đồng chí cũng để lại những dấu ấn cá nhân. Nếu chọn điểm nhấn thì phải nói đến đóng góp to lớn của đồng chí với công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, và trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong 94 năm lịch sử của Đảng, các đồng chí lãnh đạo đã từng được giao trọng trách đứng đầu Đảng và Nhà nước, mỗi người đều có những đóng góp hết sức có ý nghĩa và to lớn. Căn cứ vào đòi hỏi của từng giai đoạn lịch sử khác nhau thì tính chất, đặc điểm những cống hiến của mỗi người cũng mang những dấu ấn khác nhau. Trong đó, có những tên tuổi lớn đã được in đậm, khắc sâu vào trang sử vàng của Đảng. Chúng ta vô cùng xúc động và tự hào mỗi khi nhớ đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và tên tuổi những học trò ưu tú, những người đã kế tục sự nghiệp của Bác như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười… Xét trên phương diện yêu cầu của giai đoạn vừa qua, cụ thể là gần trọn 3 nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đồng chí là một nhà lãnh đạo đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ một cách hết sức xuất sắc: Kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, quan hệ đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Nói riêng về những thành tựu trên lĩnh vực đối ngoại cũng hết sức ấn tượng. Chúng ta vừa giữ vững được vị thế độc lập, tự chủ; bảo vệ được vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc; lại luôn linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các mối quan hệ đan xen, phức tạp trong bối cảnh thế giới hiện nay. Do vậy, thế giới rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam. Những thành quả đó vừa là kết quả của đường lối chung của Đảng, đồng thời gắn với dấu ấn của người đứng đầu, cả về mặt tư duy, phong cách và những chỉ đạo cụ thể.

Nhưng nổi trội hơn cả, có lẽ chúng ta phải kể đến đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; chưa bao giờ làm mạnh mẽ, quyết liệt, liên tục như những năm vừa qua; thể hiện bằng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, và xử lý các vụ án, vụ việc nổi cộm. Đồng chí Tổng Bí thư là người đã hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của vấn đề xây dựng Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhằm làm trong sạch Đảng. Đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, dù phải chịu những tổn thất, mất mát, nhưng không thể không làm. Đó là một sự đánh đổi, hy sinh nhằm bảo vệ sự chính danh, sự trong sạch của Đảng.

Nếu nói một cách khái quát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, của Đảng và Nhân dân. Riêng điều ấy thì dù là ở đâu, kể cả những người không yêu thích chế độ của chúng ta cũng không nói khác về vai trò và công lao của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

“Danh dự con người là điều thiêng liêng, cao quý nhất”

Như thực tiễn đã chứng minh vai trò và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng. Đây là công việc rất khó khăn và nhiều thách thức, nên đây cũng là thời điểm trong Nhân dân cũng đang có những băn khoăn, liệu công cuộc phòng, chống tham nhũng có được tiếp tục được duy trì. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Mỗi đồng chí lãnh đạo ra đi đều là tổn thất lớn đối với Đảng, với tổ chức và Nhân dân. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, sự ra đi của các nhà lãnh đạo cũng là quy luật của cuộc sống, không ai cưỡng lại được. Đồng thời, quá trình hoạt động của một con người hay của một tổ chức, nói rộng ra là một Đảng luôn có sự kế tục. Tôi luôn tin rằng, Đảng ta sẽ chọn được người xứng đáng đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư. Nhiệm vụ xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng là những yêu cầu, đòi hỏi nhất định phải được tiếp tục. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (tháng 10/2020). Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (tháng 10/2020). Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, Đảng ta là một Đảng cách mạng, là Đảng đã được tôi luyện, thử thách trong các phong trào cách mạng suốt hơn 94 năm qua, với tập thể Ban Chấp hành Trung ương và đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa trung thành, vừa sáng tạo. Đảng ta có truyền thống đoàn kết, thống nhất; những quyết định đưa ra luôn là sản phẩm trí tuệ, ý chí của tập thể. Tới đây, đồng chí nào được giao đảm nhiệm làm Tổng Bí thư cũng sẽ phải tiếp tục công cuộc xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng. Dừng lại hay không, không phải là ý muốn cá nhân của người lãnh đạo, mà đây là ý chí tập thể trong Đảng, là nguyện vọng của cán bộ, của Nhân dân.

Hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí giữ trọng trách của đất nước đều đứng trước những thử thách, những cám dỗ về lợi ích, về chức quyền, về nghĩa vụ và bổn phận trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cương vị càng lớn, trách nhiệm, đòi hỏi càng cao. Hơn lúc nào hết, những lời nhắc nhở hết sức tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đặc biệt thấm thía: “Danh dự con người là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Có lẽ, điều mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn “soi”, luôn đòi hỏi đối với mỗi nhà lãnh đạo trước hết là sự giữ gìn uy tín, danh dự cho mình và cho Đảng.

Là người kế nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, ông có thể kể lại cảm nhận của mình khi tiếp nhận, bàn giao chức Bí thư Thành ủy Hà Nội vào thời điểm đó?

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Nhớ lại, khi tôi tiếp nhận bàn giao cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội càng làm tôi cảm nhận rất rõ sự giản dị, gần gũi, thiết thực trong công việc của đồng chí. Trong buổi lễ bàn giao công việc, không thấy trang hoàng, không bố trí cờ hoa, biển hiệu gì. Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy để nhận bàn giao công việc mà tôi đã kể trong cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, không có cả hoa để tặng người đi và người đến. Điều đó rất khác với những cuộc bàn giao của nơi này, nơi kia thường nặng về hình thức, tốn kém, vẽ vời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023

Đấy cũng chính là phong cách nhất quán của đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể cả sau này làm Chủ tịch Quốc hội rồi trở thành Tổng Bí thư cũng vẫn luôn như vậy. Căn phòng làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ở Thành ủy Hà Nội cũng như khi làm Tổng Bí thư đều rất giản dị. Trong phòng chỉ có một bộ bàn, ghế bình thường. Khi nghỉ công tác, tôi có đề nghị Văn phòng Thành ủy Hà Nội nên bàn giao bộ bàn ghế ấy cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, trưng bày.

Nhiều năm hoạt động trên các cương vị khác nhau tại Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm thân thương, có nhiều chỉ đạo sâu sắc đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô. Ông cảm nhận thế nào về sự gắn bó, những đóng góp của Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng đối với Hà Nội.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra, lớn lên và phần lớn quá trình công tác của đồng chí là ở Hà Nội. Đóng góp và dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất nổi bật trong thời kỳ đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy sau đó làm Bí thư trong giai đoạn đất nước và Thủ đô tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, giúp cho Hà Nội luôn làm tròn vị trí, vai trò là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục và giao lưu quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hiểu rất rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước, hiểu rất rõ về truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô. Vì hiểu rõ Thủ đô nên những chỉ đạo, định hướng của đồng chí cho Thủ đô sau này trên các cương vị công tác tại Trung ương cũng rất sâu sát. Sự quan tâm của đồng chí đối với phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội là rất sâu sắc, toàn diện, trí tuệ và tầm nhìn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa. Ông yêu quý, giữ gìn và nâng niu truyền thống văn hóa của dân tộc; là người yêu thơ ca; yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du. Yêu và hiểu từ trong chiều sâu hồn cốt những giá trị tư tưởng tinh thần mà cha ông đã đúc kết thành ca dao, tục ngữ. Chính vì thế, chúng ta thường nghe ông lấy ca dao, tục ngữ để răn mình và nhắc nhở mọi người: “Bởi trên ở chẳng chính ngôi. Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”. Hoặc ông lẩy Kiều, lấy thơ Tố Hữu để nói về những việc tu dưỡng đạo đức cách mạng: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”… Và điều đặc biệt ở ông, là nói đi đôi với làm. Bởi thế, ông đã trở thành tấm gương đẹp về một con người văn hóa, một tấm gương có sức lan tỏa rất lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri TP Hà Nội (tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri TP Hà Nội (tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, Hà Nội phải ra sức giữ gìn và phát huy truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng của Thủ đô.

Hà Nội phải luôn gương mẫu, đi đầu

Vậy theo ông, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phải làm gì để xây dựng và phát triển xứng đáng với sự yêu mến của Tổng Bí thư, đặc biệt trong bao tồn và phát huy những giá trị văn hóa, con người Hà Nội?

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở “Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu”, “Hà Nội phải là tấm gương cho cả nước noi theo”, trong các phát biểu, chỉ đạo của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: “Hà Nội phải là điểm hội tụ và lan tỏa văn hóa, là tấm gương sáng cho cả nước noi theo”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt lưu ý việc phát triển văn hóa Thủ đô cần phải gắn liền với chính trị và kinh tế. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành Thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản này, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội vừa mang nét đẹp đặc trưng riêng của Thủ đô, vừa tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc Việt Nam là một quá trình bền bỉ. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội ban hành và triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thể hiện quan điểm xuyên suốt và quyết tâm của Thành phố Hà Nội. Điều này cũng thể hiện tinh thần quyết tâm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện những tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng văn hóa và con người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!