Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và dành tình cảm đặc biệt với người nông dân. Tổng Bí thư đã ký ban hành nhiều quyết sách, đưa ra tầm nhìn và những định hướng để phát triển “tam nông” nước nhà.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế

Một trong những dấu ấn rõ nét nhất về sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là việc ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, lần đầu tiên Đảng ta xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Quan điểm rõ nét là phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên vào đầu năm 2023. Ảnh: Báo Thái Nguyên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên vào đầu năm 2023. Ảnh: Báo Thái Nguyên.

Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng xác định chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đi kèm với quan điểm phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương cũng là vấn đề quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. Cùng với đó là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng...

Nông dân là trung tâm của quá trình phát triển

Xuất thân trong một gia đình bần nông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu và dành tình cảm đặc biệt cho những người nông dân nước nhà. Ngày 26/12/2023, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu vô cùng sâu sắc, gửi gắm kỳ vọng đến giai cấp nông dân. 

 

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: tư tưởng của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn; đồng thời xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay thì phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu năm 2017. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu năm 2017. Ảnh: TTXVN.

Nông thôn phải là nơi đáng sống

Qua những lời phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở: làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê?

“Bức tranh nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đó có thực sự hoàn mỹ hay không, và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, Đảng ta cũng xác định rõ quan điểm: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn...

“Đảng ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải làm thế nào để thực hiện cho thật tốt điều đó…” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn.