Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói gì về trường hợp công chức bị khởi tố, bắt tạm giam?

Quý Nguyễn/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không lâu sau khi Cơ quan Điều tra khởi tố và bắt tạm giam đối với một công chức là chuyên viên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về hành vi cấp luồng xanh trái phép để trục lợi, cơ quan này đã lên tiếng.

Chiều 27/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về trường hợp công chức bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong bản thông cáo trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 17/8/2021, ngay khi các cơ quan thông tin báo chí phản ánh về hiện tượng “cò mồi luồng xanh”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội có Văn bản số 3749/SGTVT-QLVT đề nghị Công an TP Hà Nội sớm tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin báo chí nêu, với tinh thần không bao che, không có vùng cấm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, có hành vi trục lợi bất chính gây ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của Nhân dân đối với những chính sách của ngành GTVT.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga - Chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với cơ quan điều tra.
Đến nay, Công an TP Hà Nội có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thanh Nga - Chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam do đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015”.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận, bà Hoàng Thị Thanh Nga là chuyên viên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân công tăng cường hỗ trợ Sở GTVT Hà Nội xét duyệt cấp mã QR Code trong những ngày đầu TP áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (thời điểm lượng hồ sơ đề nghị cấp QR Code tại Sở GTVT Hà Nội gia tăng với số lượng lớn, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, và Sở GTVT các tỉnh, thành phố hỗ trợ phê duyệt). Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định vi phạm của bà Hoàng Thị Thanh Nga rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sau khi có thông báo của Cơ quan điều tra, cơ quan này đã tổ chức kiểm điểm, quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Tổng cục, đồng thời yêu cầu tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cấp mã QR Code này không phải là điều kiện kinh doanh, không phải là một loại giấy phép và hoàn toàn miễn phí. Đây là giải pháp hiệu quả trong hoạt động tổ chức giao thông, được các địa phương, doanh nghiệp, đội ngũ lái xe, người dân và các cơ quan báo chí ghi nhận. Tổng cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ sự đáng tiếc khi đã có cá nhân của cơ quan này vi phạm, lợi dụng việc cấp mã QR Code để trục lợi, đồng thời gửi lời xin lỗi sâu sắc tới Nhân dân và các doanh nghiệp vận tải về sự việc vừa qua.

Để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, ngày 25/8/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang phối hợp với Viettel đã hoàn thiện, vận hành hệ thống cấp mã QR Code hoàn toàn tự động để triển khai thực hiện.

“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến phản ánh để hoàn thiện mọi chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý của Tổng cục, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp, phòng ngừa những sai phạm, tiêu cực” – Tổng cục Đường bộ Việt Nam cam kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần