Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa công bố báo cáo đánh giá chất lượng môi trường không khí đợt 4 năm 2020 tại miền Bắc dựa trên kết quả quan trắc tại 31 điểm quan trắc ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm và một số “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp.
Theo báo cáo, thời điểm thực hiện quan trắc Đợt 4 (tháng 5) diễn ra trong thời gian từ ngày 08/05/2020 đến ngày 25/05/2020, nhiệt độ và độ ẩm có sự chênh lệch cao trong ngày, nhiệt độ dao động trong khoảng từ 28,6 – 37,2oC, và độ ẩm tương đối trong không khí khoảng từ 63,7 – 77,2%.
Hướng gió chủ đạo là hướng Đông Nam và Đông Bắc (hướng gió Đông Nam chiếm 61%, Đông Bắc chiếm 13%) còn lại là các hướng gió Đông. Vận tốc gió trung bình 1,0 m/s. Trong thời gian quan trắc, thời tiết chung của toàn vùng có độ ẩm cao, có một số ngày độ ẩm cao lên đến 77% tại khu vực KCN Nomura Hải Phòng.
Kết quả quan trắc đợt tháng 5/2020 cho thấy, có 02/07 thông số có giá trị vượt giới hạn cho phép, trong đó thông số tổng bụi lơ lửng (TSP) có 8/93 giá trị vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h) chiếm tỷ lệ 8,6%.
Thông số tiếng ồn có 83/93 giá trị vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, chiếm tỷ lệ 89%. Các thông số còn lại có giá trị nằm trong ngưỡng quy định.
Nhìn chung, môi trường không khí các tỉnh miền Bắc trong Đợt 4 (tháng 5/ 2020) được cải thiện hơn so với cùng thời kỳ quan trắc tháng 5/2019, đặc biệt là thông số bụi lơ lửng, thời điểm quan trắc tháng 5/2020 ô nhiễm chỉ xuất hiện tại một vài trị trí gần KCN.
Tại các vị trí quan trắc khác như trên trục đường giao thông, khu dân cư, giá trị TSP giảm mạnh và nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam
Giá trị TSP trong Đợt tháng 5/2020 giảm mạnh tại hầu hết các vị trí quan trắc gần KCN, phần lớn các điểm trắc gần KCN của các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương có giá trị TSP nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ tại điểm KCN Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) và KCN Quang Minh (tỉnh Vĩnh Phúc) tăng và vượt nhẹ so với giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Tại các nút giao thông giá trị TSP trong Đợt tháng 5/ 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ quan trắc tháng 5/ 2019, toàn bộ 100% các điểm thực hiện quan trắc có giá trị TSP nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h).
Với khu dân cư mức độ ô nhiễm TSP Đợt tháng 5/ 2020 giảm so với thời điểm tháng 5/2019. Các giá trị TSP tại khu dân cư đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h).
Đối với các thông số khác (CO, Pb, SO2, NO2), kết quả quan trắc tại các KCN, KDC và nút giao thông đợt tháng 5 năm 2020 cho thấy, tất cả các giá trị của các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Bên cạnh đó, kết quả quan trắc tiếng ồn trong đợt này cũng cho thấy, có 27/31 vị trí quan trắc có tiếng ồn chạm ngưỡng và vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, áp dụng với khung thời gian từ 6-21h.
Mức ồn thấp nhất tại điểm quan trắc khu KDC gần cảng Sơn Dương, cao nhất đo được tại điểm quan trắc KCN Như Quỳnh – Hưng Yên . So sánh với kết quả quan trắc tháng 5/2019 cho thấy, mức ồn có xu hướng tương đồng và giảm nhẹ tại hầu hết các điểm quan trắc.
Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá tóm tắt chất lượng môi trường nước dựa trên kết quả quan trắc tại 185 điểm quan trắc môi trường nước mặt thuộc 05 lưu vực sông (LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy, LVS Mã - Chu, LVS Hồng - Thái Bình, Đà và LVS Cả - La).
Trong đó, trên LVS Nhuệ - Đáy và LVS Cầu, ô nhiễm vẫn tiếp diễn tại các điểm nóng về môi trường nước và chưa có dấu hiệu được cải thiện do phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ Tp. Hà Nội, Tp. Thái Nguyên và nước thải từ các làng nghề trên lưu vực. Cụ thể, tại đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Tp. Hà Nội và Hà Nam và các sông nội thành Hà Nội.
Thời điểm quan trắc Đợt 4/2020 ghi nhận, bên cạnh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước kéo dài nhiều năm qua, trên các LVS sông cũng xuất hiện các điểm quan trắc bị ô nhiễm hoặc xấp xỉ bị ô nhiễm, như điểm Đầm Tái trên sông Châu Giang (hiện tượng cá chết trên đoạn sông), điểm Làng Chèm (sông Hồng), điểm sông Vinh tại Cầu Bến Thủy 2 (sông Lam).