Phóng viên Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện xung quanh vấn đề này.
Lời giải đến từ công tác hậu kiểmÔng có thể phác thảo đôi nét về bức tranh vận tải hàng hóa các tỉnh phía Nam hiện nay?- Phải nói là hiện nay tất cả các chốt ở phía Nam đều đã rất thông thoáng, không có ùn tắc. Giao thông thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Nhân dân tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các điểm ùn tắc ở phía Bắc mới phát sinh như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hải Phòng, QL5... đều đã được khơi thông.
Có được kết quả này do đã áp dụng những giải pháp bằng công nghệ. Cụ thể là đội ngũ tài xế thực hiện kê khai y tế bằng điện tử chứ không phải kê khai thủ công như trước. Bên cạnh đó, tài xế cũng thực hiện dán thẻ nhận diện (mã QR Code) trên xe để khi qua chốt lực lượng chức năng kiểm tra nhanh gọn, thuận tiện hơn.Như vậy, giải pháp đồng bộ này đã khắc phục rất tốt những tồn tại trong công tác vận tải hàng hóa trong thời gian qua.Đến nay, vận tải hàng hóa tại các tỉnh phía Nam có sự thay đổi đột biến. Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi đó?- Phải nói là xây dựng “luồng xanh” quốc gia song song với việc các tỉnh, thành xây dựng “luồng xanh” tại địa phương đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt trong việc khơi thông vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành đang phải áp dụng giãn cách xã hội theo Nghị định 16.Trong đó, nổi bật nhất của “luồng xanh” chính là công tác hậu kiểm. Có nghĩa là tất cả các tỉnh, thành, kể cả nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hay không thực hiện, đều có "luồng xanh". Khi triển khai, điểm khác biệt của “luồng xanh” là công tác kiểm dịch được thực hiện song song ở cả DN vận tải lẫn các chốt. Nhờ đó, tài xế từ các tỉnh, thành khi tham gia “luồng xanh” toàn quốc đã đảm bảo được đầy đủ thủ tục. Chính nhờ cách làm này mà những tỉnh quá cảnh hầu như khi có mã QR Code và nhận biết, qua mã đó giúp công tác phối hợp dễ dàng hơn, việc kiểm tra nhanh chóng hơn, tình trạng phương tiện dồn toa gây ùn tắc tại các chốt kiểm dịch cũng không xảy ra nữa.Đặc biệt, các DN vận tải chủ động thông tin cho Sở GTVT cũng như lực lượng làm việc tại chốt ở các địa phương trước khi xe đi qua. Nhất là các DN vừa và lớn, họ xây dựng hẳn kế hoạch vận tải trong đó thể hiện chi tiết ngày, giờ nào phương tiện sẽ đi qua chốt kiểm dịch nào. Chính vì thế, công tác quản lý, kiểm tra vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa thanh chóng, thuận tiện.Vậy hậu kiểm là yếu tố cốt lõi mang đến thành công cho “luồng xanh”?- Đúng là như vậy. Hậu kiểm đã giải quyết tốt được cả 2 vấn đề. Thứ nhất là giúp giao thông thông thoáng khi công tác kiểm tra tại các chốt kiểm dịch được thực hiện nhanh gọn, thuận tiện hơn.Thứ hai là thông tin rất cụ thể. Bởi khi tiến hành kiểm tra tại các DN vận tải sẽ biết được chính xác số lái xe được tiêm phòng vaccine Covid-19 và số lái xe chưa được tiêm. Các cơ quan cũng như nắm rõ DN đó thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh có nghiêm hay không.Bên cạnh đó, tất cả quá trình vận chuyển hàng hóa từ lúc lấy hàng trong kho, đi trên đường, qua chốt kiểm dịch của những tỉnh thành nào, đưa đến nơi nhận hàng ở địa chỉ nào đều được thông tin một cách cụ thể, chi tiết nhờ cơ chế liên thông để cung cấp thông tin cho nhau giữa các địa điểm này. Thậm chí trong quá trình di chuyển, lái xe xảy ra vi phạm trên đường, bị lực lượng chức năng xử lý ở chỗ nào cũng đều được lưu lại và thông báo cho các đơn vị liên quan.Đâu là giải pháp khi “luồng xanh” kết thúc?Tổng cục Đường bộ đã xây dựng hệ thống phần mềm để phục vụ công tác vận hành “luồng xanh”. Vậy hệ thống phần mềm này đã và đang được vận hành ra sao, thưa ông? - Có thể nói, ngoài hậu kiểm thì việc ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật được coi là một yếu tố quan trọng giúp “luồng xanh”trở thành giải pháp ưu việt cho vấn đề vận tải hàng hóa.Ngoài thông tin về dịch bệnh Covid-19, thông tin về giao thông vận tải, thông tin của Bộ Y tế, của Sở Y tế các địa phương khi thực hiện xét nghiệm cho lái xe đều được lưu lại và cập nhậptrên hệ thống. Kể cả sau này nếu Bộ Công an đưa thông tin về căn cước công dân, người dân hoàn toàn có thể cập nhập được qua hệ thống mã QR Code này. Đây là điều rất thuận tiện.Có ý kiến cho rằng, “luồng xanh” chỉ là giải pháp tình thế. Công tác vận tải hàng hóa trong tương lai cần có một giải pháp mang tính bền vững hơn. Ông nghĩ gì về quan điểm này?- Tôi nghĩ “luồng xanh” là giải pháp phục vụ cho cao điểm trong thời kỳ chống dịch. Đặc biệt với những tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biễn hết sức phức tạp như hiện nay, hệ “luồng xanh” phải duy trì thường xuyên hơn trong hệ thống giao thông toàn quốc và chỉ khi nào hết dịch Covid-19 mới chuyển sang áp dụng mô hình bình thường.Còn hiện nay, những trường hợp xe chở hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống Nhân dân, xe chở hàng cứu trợ cho vùng dịch, xe chở bà con từ vùng dịch về quê... đang là những phương tiện ưu tiên nên “luồng xanh” cần phải có để thực hiện sứ mệnh của mình. Khi công tác phòng, chống dịch đang là nhiệm vụ hàng đầu thì sự có mặt của “luồng xanh” sẽ giúp cho hoạt động vận tải giữa các địa phương được thực hiện trơn tru, thuận tiện, an toàn hơn rất nhiều.Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai thêm giải pháp hay ý tưởng lớn nào nhằm đảm bảo vận tải hàng hóa nói riêng và vận tải đường bộ cả nước nói chung được thuận lợi hơn?- Theo tôi, đối với vận tải đường bộ hiện nay thì các giải pháp đang khá quyết liệt, đầy đủ và hiệu quả. Chúng tôi vẫn đang cập nhật thêm nhiều thông tin, trong đó chủ yếu là công tác phối hợp từ các DN vận tải. Đây là vấn đề cần thực hiện quyết liệt, nhất là đối với các địa phương cần quan tâm và ưu tiên hơn cho các lái xe để họ được tiêm vaccine Covid-19. Vai trò của lái xe trong hoạt động vận tải rất quan trọng. Nếu thiếu lái xe sẽ không có người chở hàng hóa, khi đó sẽ rất nguy hiểm.Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải có giải pháp quản lý đội ngũ lái xe cho thật tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Đó là những giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tiếp tục thực hiện mã QR Code để quản lý thông tin trong lĩnh vực vận tải cũng như phục vụ công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.Xin cảm ơn ông!
Đến thời điểm này, mã QR Code mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đã thông mạch cho vận tải hàng hóa trên toàn quốc, ở tất cả 63 tỉnh, thành từ 0 giờ ngày 20/7. Hiện có hơn 50 tỉnh, thành với gần 3.000 mã QR Code đã được cấp. |