Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng: Chúng tôi không lấy người dân ra làm con tin

Quang Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nói: “Với lương tâm của người làm cấp nước, chúng tôi không cho phép mình lấy cả triệu người dân Đà Nẵng ra làm “con tin” để đạt được mục đích riêng”.

Những ngày qua, người dân Đà Nẵng khổ sở vì tình trạng thiếu nước, nước nhiễm mặn. Có ý kiến cho rằng Dawaco đang dùng người dân để đòi yêu sách với chính quyền thành phố, thậm chí cố tình vận hành sai quy trình, dẫn đến bơm thiếu nước gây bức xúc trong dư luận. Chiều 10/11, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco xung quanh vấn đề này.
 Ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng

“Tôi nghĩ mọi người có sự hiểu lầm”

Theo hồ sơ mà Dawaco trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt (và đã được cấp phép ngày 5/7/2018), tại đập An Trạch có 6 máy bơm với tổng công suất hơn 300.000m3/ngày đêm. Tức là, tổng công suất nước mà các máy bơm về đã vượt xa khả năng tiêu thụ của dân toàn TP Đà Nẵng đến 30.000m3/ngày đêm. Đó là chưa cộng thêm công suất của một số nhà máy nước nhỏ khác trong thành phố. Vậy tại sao dân Đà Nẵng vẫn thiếu nước sinh hoạt? Và có chăng nhà máy cấp nước vận hành không đúng dẫn đến lệch lạc, bơm không đủ nước?

Giấy phép hiện tại của Dawaco cho cụm máy bơm đang vận hành được cấp năm 2015 với công suất khai thác lớn nhất là 240.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của thành phố thì dự kiến sắp tới sẽ thiếu nước, do đó chúng tôi đang triển khai dự án mở rộng cấp nước tại Cầu Đỏ thêm 12.000m3/ngày đêm. Trước mắt, chúng tôi đang xây dựng cụm phân kỳ I với công suất 60.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 1/7/2019. Sau đó, sẽ tiếp tục đầu tư phân kỳ II với 60.000m3/ngày đêm và dự kiến đưa vào khai thác vào ngày 1/1/2023.

Mặc dù giấy phép hiện tại của Dawaco cho cụm nhà máy đang vận hành có thời hạn đến năm 2030, nhưng vì chúng tôi xây dựng cụm nhà máy sắp hoạt động nên buộc phải xin giấy phép mới. Vì thế, Bộ TN&MT cấp cho Dawaco giấy phép từ ngày 5/7/2018. Trong đó ghi rõ từ ngày giấy phép có hiệu lực đến hết ngày 20/6/2019, lượng nước khai thác lớn nhất là 240.000m3/ngày đêm. Có nghĩa con số này áp dụng cho cụm nhà máy đang vận hành.

Cụm nhà máy đang khai thác vận hành tại nhà máy nước Cầu Đỏ là 240.000m3/ngày đêm, nhưng trạm bơm An Trạch chỉ thiết kế 210.000m3/ngày đêm. Trong giấy phép cũng ghi rõ từ ngày 1/7/2019 đến hết 31/12/2022 sẽ khai thác lớn nhất tại nhà máy nước Cầu Đỏ là 303.000m3/ngày đêm (sau khi cụm phân kỳ I đi vào hoạt động). Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, lượng nước khai thác lớn nhất tại Cầu Đỏ lên 366.000m3/ngày đêm (sau khi cụm phân kỳ II khai thác).

Khi hoàn thành cụm tất cả cụm nhà máy, nếu độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ dưới 200mg/l thì sẽ lấy nước tại đây và lúc đó lượng nước thô lớn nhất là 366.000m3/ngày đêm. Nếu độ mặn lớn hơn 200mg/l đến nhỏ hơn 1.000mg/l thì vừa lấy nước tại Cầu Đỏ, vừa lấy nước tại An Trạch và vẫn đảm bảo lượng nước thô là 366.000 m3/ngày đêm. Khi độ mặn lên 1.000mg/l thì sẽ đống van Cầu Đỏ và lấy nước ở An Trạch. Khi đó, lượng nước thô ở trạm bơm An Trạch vẫn đảm bảo 366.000m3/ngày đêm.

Như vậy, số liệu 300.000m3/ngày đêm ứng dụng cho thời điểm ngày 1/1/2023. Để đáp ứng được lưu lượng 300.000m3/ngày đêm thì lúc đó phải triển khai xây dựng giai đoạn II của đập An Trạch bằng cách bổ sung máy bơm và một số hệ thống khác, chứ còn trạm hiện tại chỉ thiết kế cho 210.000m3/ngày đêm.

Do đó, tôi nghĩ rằng mọi người hiểu lầm ở chỗ này!

Hiện tại ngoài trạm bơm An Trạch, Đà Nẵng có những nhà máy nào khác, thưa ông?

Ngoài ra, TP còn có nhà máy Sơn Trà công suất khoảng 3.000m3/ngày đêm, nhà máy Hải Vân khoảng 4.000m3/ngày đêm, nhà máy Khe Lạnh khoảng 1.500m3/ngày đêm và nhà máy Phước Sơn khoảng 1.500m3/ngày đêm.
 Hình ảnh ghi nhận tại nhà máy nước Cầu Đỏ sáng 10/11
Dawaco lường trước tình trạng thiếu nước

Nếu như vậy thì từ nay đến năm 2023, Dawaco có giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng không, thưa ông?

Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều phương án và sẽ xin ý kiến của lãnh đạo thành phố. Ví dụ, chúng ta có nên xây đập ngăn mặn ở nhà máy nước Cầu Đỏ hay không? Hay đầu tư mở rộng thêm trạm bơm An Trạch để tăng công suất nước gửi về. Hoặc một giải pháp khác là xây dựng thêm một nhà máy nước. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có ưu – khuyết điểm và liên quan đến nhiều yếu tố như kinh phí, môi trường, giao thông chẳng hạn. Vì thế, phải chọn phương án nào khả thi nhất.

Với tốc độ phát triển rất nhanh của Đà Nẵng thì nhu cầu sử dụng nước cũng tăng lên rất lớn theo thời gian. Vậy Dawaco có lường trước được tình trạng thiếu nước sinh hoạt như hiện nay không?

Chúng tôi vẫn dự đoán và tính toán được bởi vì số liệu qua hằng năm cho thấy lượng nước tiêu thụ của thành phố tăng lên.
Nếu vậy tại sao Dawaco lại để xảy ra tình trạng thiếu nước khá trầm trọng như hiện nay?

- Dawaco chuyển sang công ty cổ phần từ cuối năm 2016. Giữa năm 2017, Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng thiếu nước tương đối trầm trọng do nhiễm mặn và công suất không đáp ứng. Trước tình hình cấp thiết đó, chúng tôi tập trung đầu tư để nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày đêm lên có thể 250.000m3/ngày đêm. Đồng thời, từ cuối năm 2017 đến nay, chúng tôi tập trung cải tạo các hệ thống đường ống.

Tháng 6/2018, chúng tôi đã triển khai khởi công cụm nhà máy 60.000m3/ngày đêm ở Cầu Đỏ. Tiếp đó, khởi công nhà máy công suất 10.000m3/ngày đêm. Hai dự án này sẽ đưa vào sử dụng vào ngày 1/7/2019. Đồng thời, Dawaco đã xây dựng các phương án để ngăn mặn.

Như vậy, chỉ trong vòng gần 2 năm, chúng tôi đã triển khai hàng loạt vấn đề.
Không thể lấy người dân ra làm “con tin”!

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng phía Dawaco lấy người dân Đà Nẵng ra để đòi yêu sách với chính quyền thành phố, mà cụ thể là nhắm đến làm chủ đầu tư nhà máy nước Hòa Liên đang bị “treo”. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Là người làm công tác cấp nước, lương tâm không cho phép chúng tôi lấy cả triệu người dân Đà Nẵng ra làm “con tin” để đạt được mục đích riêng! Thứ hai, về mặt pháp luật, tôi nghĩ bất kể ai lấy người dân Đà Nẵng ra làm “con tin” để đạt được mục đích cho mình thì cần phải điều tra làm rõ. Tôi cũng đề nghị, nếu có ai làm việc đó thì cần điều tra và xử lý thật nghiêm minh. Không thể chấp nhận lấy người dân Đà Nẵng ra làm “con tin”!.

Với đà phát triển của thành phố như hiện nay, vài năm tới nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lớn. Giả sử khi đó chưa có đập ngăn mặn thì dù nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay đã nâng công suất vẫn khó đảm bảo nhu cầu, tình trạng thiếu nước vẫn sẽ xảy ra nghiêm trọng. Vì thế, quan điểm của tôi về nhà máy nước Hòa Liên là cần triển khai nhanh. Chúng tôi mong muốn có nhà đầu tư nào đó có tiềm lực để làm thật nhanh, đảm bảo tiến độ, có công nghệ tốt và đặc biệt phải đưa ra giá nước cho hợp lý.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

“Từ 17 giờ ngày 9/11, độ mặn nước sông Cầu Đỏ chính thức dưới ngưỡng nhờ thủy triều rút sau đợt triều cường đỉnh điểm vào cuối tháng âm lịch, và ở thượng nguồn có mưa nên lượng nước xả về lớn hơn. Hiện việc cung cấp nước sạch cho TP Đà Nẵng đang dần trở lại bình thường. Nước khu vực nào nước yếu thì người dân có thể liên hệ với nhân viên Dawaco gần nhất để được hỗ trợ”, ông Hồ Hương cho biết thêm.