Tổng khởi nghĩa tháng Tám qua ký ức cựu Đoàn viên thành Hoàng Diệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lời kể của các ông đều sáng lên niềm hãnh diện khi được trưởng thành trong những năm tháng lịch sử. Đó là những năm tháng tuổi trẻ Thủ đô hăng hái lao mình vào hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào thanh niên cứu quốc ngày một lớn mạnh.

Trong những ngày cả nước đang kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp gặp gỡ những cựu đoàn viên của Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và được nghe kể về một thời hào hùng, đứng lên giành chính quyền dịp Cách mạng tháng Tám và ký ức Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn rất đậm nét trong trong tâm trí họ.

May mắn được gặp nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội Vũ Oanh vào đúng ngày ông được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Dù đã tuổi ngoài 90, nhưng ông vẫn tinh anh, minh mẫn lắm. Khi được hỏi về kỷ niệm những ngày đầu tham gia cách mạng, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết. Ký ức một thời thanh niên cứu quốc, ngày đầu hoạt động vào mùa thu lịch sử năm 1945 cứ thế ùa về trong lời kể của ông. “Thanh niên chúng tôi thời bấy giờ còn rất trẻ, nhất là những thanh niên học sinh trường Bưởi, lớp thanh niên nòng cốt phong trào thanh niên của Hà Nội khi đó” - ông Vũ Oanh hồi tưởng. Ấy là những năm 1939 – 1940, khi đó, trước cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước đã làm thức tỉnh lòng yêu nước trong tầng lớp trí thức, đặc biệt là học sinh trường Bưởi. Ông kể: “Tôi có may mắn được một anh – cựu tù Sơn La, rồi Côn Đảo tham gia cách mạng rất sớm giác ngộ, dạy cho những bài học đầu tiên phải làm thế nào để cứu nước, làm thế nào để đại đoàn kết dân tộc”.

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Vũ Oanh tháng 8/2014. 	Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Vũ Oanh tháng 8/2014. Ảnh: Thanh Hải
Tháng 9/1940, một tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. 4 năm sau, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên, trong đó rất đông học sinh trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long... Đội hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh tại các chợ lớn, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức tuyên truyền bằng miệng, đơn, báo, tài liệu mật. Thời điểm đó, để tránh máy bay Mỹ ném bom các căn cứ quân đội Nhật đóng tại Hà Nội, một số trường học chuyển về khu vực Cầu Giấy, Hà Đông. Những đoàn viên cứu quốc thành Hoàng Diệu đi theo đã giúp phát triển tổ chức này tại các xã ngoại thành. Đồng thời quyết định xây dựng căn cứ hoạt động an toàn vùng ven đô làm chỗ đứng cho cán bộ chỉ đạo phong trào, các cơ sở in ấn tài liệu để chuyển vào nội đô. 

Chia sẻ về một thời hào hùng ấy, ông Lê Đức Vân – Trưởng ban liên lạc đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng cho hay, ngày 17/8/1945, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem cuộc mít tinh. Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc mít tinh đó nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Khi đi thành viên nào cũng phải mang theo cờ đỏ Sao Vàng đứng xen lẫn với Nhân dân. “Khi mới tuyên bố khai mạc buổi lễ, một số thanh niên nhảy lên khán đài cướp micro và hô hào Nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó 500 anh em ở dưới phất lá cờ đỏ Sao Vàng lên, đồng thời một lá cờ rất to buông từ tầng 2 Nhà hát Lớn xuống…” – cựu thanh niên thành Hoàng Diệu hào hứng kể lại.

Câu chuyện mà cho đến giờ ông Vân vẫn còn cảm thấy như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua, đó là kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ. Đó là trước ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Khi nghe các đồng chí cấp trên gọi đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu lên gặp một vị lãnh đạo, ông Vân cùng hai đồng chí nữa đến Nhà khách Chính phủ bây giờ, không hề biết rằng mình đến gặp ai. Ấn tượng đầu tiên trong lớp thanh niên khi ấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc Việt Nam chỉ đơn giản là một ông cụ với nước da ngăm đen, đôi mắt sáng ngời. Ông Vân chia sẻ: “Lúc Bác bảo “Các cháu vào đây” và hỏi “Khi đất nước vừa giải phóng các cháu làm gì nhỉ?”, tôi nhanh miệng nói luôn rằng “Chúng cháu chi phối họ”. Khi ấy Bác cười và bảo, không gọi là chi phối họ mà các cháu phải tuyên truyền để họ nghe về đường lối cách mạng của Đảng ta và muốn làm được điều đó thì các cháu phải gương mẫu đi đầu”.

Sáng 2/9/1945, khoảng 20 vạn Nhân dân Thủ đô nô nức tham gia vào đoàn người mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Theo lời ông Nguyễn Tiến Hà – cựu thành viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, khi xuống đường để tiến về Quảng trường Ba Đình, mọi người xếp hàng thành cả đoàn dài. Phụ nữ đi trước, nam giới đi sau. Vừa đi vừa hô: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” suốt dọc đường từ Bưởi xuống tận Quảng trường Ba Đình…

Mỗi lời kể của các ông đều sáng lên niềm hãnh diện khi được trưởng thành trong những năm tháng lịch sử. Đó là những năm tháng tuổi trẻ Thủ đô hăng hái lao mình vào hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào thanh niên cứu quốc ngày một lớn mạnh. Hoạt động cách mạng của những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tiêu biểu cho truyền thống yêu nước quật cường, sự mưu trí, sáng tạo và hoàn thanh xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Họ là minh chứng sống động khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên cũng là lực lượng xung kích, đi đầu và là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần