Giảm cả 3 tiêu chí
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 274 vụ làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra TNGT.
Đáng chú ý, trong cả kỳ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày, cả nước chỉ xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đó là vụ TNGT diễn ra vào ngày 8/2 trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286; hậu quả làm 3 người trên xe ô tô con thiệt mạng, 5 người bị thương.
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 dài 9 ngày (nhiều hơn kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2 ngày), vì vậy, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 28 Tết đến mùng 4 Tết) cả nước đã xảy ra 214 vụ TNGT, làm chết 135 người, bị thương 189 người. So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết) giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%).
Bình quân số người chết trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28%) so với bình quân số người chết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tính riêng trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (ngày 10/2), toàn quốc xảy ra 28 vụ, làm chết 22 người, bị thương 19 người, đều là TNGT đường bộ.
Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT và Công an các địa phương tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phát hiện, xử lý 21.343 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền trên 12,267 tỷ đồng, giữ 3.935 phương tiện và 2.901 giấy tờ các loại, tước 385 giấy phép lái xe. Kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường thủy; phát hiện, xử lý 537 trường hợp vi phạm, phạt tiền 476.500.000 đồng.
Ùn tắc giao thông chỉ còn xảy ra cục bộ
Về tình hình ùn tắc giao thông, trong những ngày Tết, tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua khu vực bắn pháo hoa, các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến. Lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn TP tại các nút giao thông trọng điểm.
Cao điểm 2 ngày trước Tết và sau Tết, các tuyến đường trục chính ra vào TP Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông nên xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe. Tương tự tại TP Hồ Chí Minh các tuyến giao thông kết nối TP với các tỉnh miền Tây, tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Bắc xảy ra ùn tắc cục bộ.
Vào các ngày 2/2, ngày 8/2 người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về TP Vũng Tàu tăng cao khiến quốc lộ 51 ùn tắc nhiều đoạn. Ngày 9, 10/2 lượng xe trên một số tuyến như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai III - Hà Nội, Xa lộ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn ứ cục bộ, cá biệt tại một số trạm thu phí cũng xảy ra ùn tắc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nên đã được kịp thời giải tỏa thông suốt.