Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Macron, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), song ông Trump muốn JCPOA phải hạn chế chương trình tên lửa hạn nhân của Iran và tầm ảnh hưởng của Tehran tại khu vực Trung Đông.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran . Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump đã không lặp lại những lời đe dọa rằng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mặc dù đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không còn kiên nhẫn đối với vấn đề này.
Tổng thống Macron đã đề xuất với Tổng thống Trump về một "thỏa thuận mới", theo đó Mỹ và châu Âu sẽ giải quyết những lo ngại đối với chương trình phát triển hạt nhân của Iran.
Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu nhất trí ngừng toàn bộ hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran đến năm 2025 và những năm tiếp theo, giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và thực hiện giải pháp chính trị để Iran ngừng can thiệp tại Yemen, Syria, Iraq và Lebanon.
Về phần mình, Tổng thống Trump vẫn không cho biết rõ ông sẽ quyết định như thế nào vào ngày 12/5 tới. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo "nếu Iran đe dọa chúng tôi thì họ sẽ phải trả cái giá mà rất ít quốc gia từng trải qua".
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích JCPOA - vốn do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán - rằng đây có lẽ là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và đe dọa rút khỏi thỏa thuận này nếu nó không được sửa đổi.
Từ nay đến 12/5, chính quyền Tổng thống Trump sẽ quyết định có xem xét việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran hay không. Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm Mỹ 3 ngày với hy vọng sẽ "cứu" thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh các nước châu Âu coi coi JCPOA có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Với thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ đặt ra với các nước châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA đang đến gần, hiện chưa rõ liệu Mỹ và Pháp có đạt được tiến triển thực chất liên quan đến tương lai thỏa thuận này hay không.
Chính phủ Iran cũng lên tiếng cảnh báo về những “hậu quả không hề dễ chịu” nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi ở tốc độ nhanh hơn nhiều, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015.