Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/6 đã cảnh báo về hậu quả tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Iran tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức ở thủ đô Bishkek của Kyrgystan hôm 14/6. |
"Chương trình phát triển hạt nhân của Iran vẫn gây ra những lo ngại. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA - một thỏa thuận đa phương đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhất trí thông qua năm 2015, không chỉ gây bất ổn cho khu vực, mà còn có thể làm suy yếu những cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân" – Tổng thống Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức ở thủ đô Bishkek của Kyrgystan hôm 14/6.
"Trong khi chủ trì SCO, chúng tôi dự định sẽ thảo luận nhằm đảm bảo rằng các bên còn lại tham gia JCOPA tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Chúng tôi coi đây là con đường hợp lý và đúng đắn duy nhất", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Tham dự hội nghị SCO lần này có nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Các nước quan sát viên gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ. Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ), gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc, cùng với Đức đã ký JCPOA vào ngày 14/7/2015 và bắt đầu thực hiện thỏa thuận hạt nhân này từ ngày 16/1/2016.
Theo JCPOA, Iran cam kết đặt giới hạn cho chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc loại bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và tái áp đặt toàn bộ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo bất chấp những chỉ trích toàn cầu.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 11/6 đã chỉ trích các lệnh cấm vận của Mỹ chống Iran là những nỗ lực nhằm gây áp lực đối với cộng đồng quốc tế bỏ qua Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ để siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Không có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận sẽ là kịch bản có thể dễ dàng dự đoán khi đánh giá về hành động của Mỹ đối với Iran, vì rõ ràng Washington đang nỗ lực buộc cả thế giới không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ để đạt được mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế của một quốc gia duy nhất”, Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại diễn đàn Primakov Readings ở Moscow.