Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc ngày 2/12 đã cùng giám sát việc ra mắt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ vùng Siberia của Nga đến phía Bắc Trung Quốc, dự án nhằm thúc đẩy kinh tế và chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh.
Tổng thống Putin dự buổi lễ khánh thành dự án Sức mạnh Siberia được tổ chức qua hình thức gọi video cùng với Chủ tịch Trung Quốc hôm 2/12. |
Việc khai trương tuyến đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia phản ánh những nỗ lực của Moscow với phương Đông, nhằm giảm bớt những ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Động thái này đã giúp Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga và mang đến cho Nga một thị trường mới nhiều tiềm năng bên cạnh các khách hàng châu Âu. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà Moscow hy vọng sẽ khởi động 2 dự án năng lượng lớn khác - đường ống khí đốt dưới đáy biển Baltic (Dòng chảy Phương Bắc 2) đến Đức và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia dài 3.000km sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ Chayandinskoye và Kovytka ở phía Đông Siberia, một dự án dự kiến sẽ kéo dài trong 3 thập kỷ và đem lại cho Nga 400 tỷ USD.
"Ngày hôm nay rất đáng nhớ, một sự kiện lịch sử thực sự không chỉ đối với thị trường năng lượng toàn cầu, mà còn đánh dấu lần đầu tiên cho cả tôi và bạn, cho cả Nga và Trung Quốc", ông Putin nói trong một buổi lễ được tổ chức qua hình thức gọi video tại TP Sochi, có sự hiện diện của cả hai nhà lãnh đạo hôm 2/12.
“Bước tiến này đưa mối quan hệ hợp tác chiến lược Nga - Trung trong lĩnh vực năng lượng lên một tầm cao mới về chất lượng và đưa chúng ta đến gần hơn với việc hoàn thành mục tiêu, được đưa ra cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là đưa thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024” - nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập nói với Tổng thống Putin thông qua một video ngày 2/12 rằng tuyến đường ống khí đốt mới được khai trương này là “dự án mang tính bước ngoặt trong hợp tác năng lượng song phương” và là “một ví dụ về sự hội nhập sâu sắc và hợp tác cùng có lợi”.
Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia ở Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga và đi vào Cát Lâm và Liêu Ninh, trung tâm ngũ cốc hàng đầu của Trung Quốc.
Tuyến đường ống này được cho là sẽ tăng dần lên mức 38 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2025, có thể đưa Trung Quốc trở thành khách hàng mua khí đốt lớn thứ 2 của Nga sau Đức. Trong năm ngoái, Đức đã nhập khẩu đến hơn 58 tỷ mét khối khí đốt từ Nga.
Nga bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho miền Tây và Trung châu Âu vào những năm 1950 và châu Âu từ lâu đã là khách hàng lớn của Nga, được cung cấp bởi công ty năng lượng khổng lồ Gazprom, với tổng nguồn cung hàng năm lên đến 200 tỷ mét khối.
Giá mua khí đốt mà Trung Quốc trả cho Nga vẫn được giữ bí mật. Cả ông Putin lẫn ông Tập đều chưa có bình luận gì về giá cả theo hợp đồng.