Loại bỏ tâm lý ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số
Trong khi đó, ĐB Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) lại trăn trở với vấn đề việc làm, chất lượng nhân lực vùng cao. Theo nữ ĐB Quốc hội: Trình độ lao động khu vực dân tộc thiểu số chưa cao vì họ chủ yếu làm nông nghiệp hoặc việc không chính thức, không tham gia bảo hiểm xã hội, thậm chí vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ cần triển khai hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng cao. Đối với học sinh vùng cao cần ưu tiên thực hiện chương trình sữa học đường. Bà cũng mong muốn Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng đường giao thông, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn qua đó tạo việc làm cho người dân.
Theo ĐB đoàn Hà Giang, khi có đường xá thuận tiện sẽ thúc đẩy du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Về giải quyết việc làm, cần trang bị kỹ năng mềm, ý thức tuân thủ pháp luật cho thanh niên miền núi. Công tác tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm và được đánh giá bằng nhận thức của dân tộc thiểu số. “Chính phủ nghiên cứu, triển khai bảo hiểm xã hội cho lao động không chính thức, lao động là người dân thiểu số, loại bỏ chính sách không phù hợp, loại bỏ tâm lý ỷ lại của người dân”, đại biểu đoàn Hà Giang kiến nghị.
3 thách thức lớn đặt ra với ngành nông nghiệp
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng NNPT&NT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 cái nhất.
Theo đó, dù đang phải đối mặt với những "thách thức lớn nhất" (biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu,...) nhưng được "sự quan tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị", qua đó ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cả về tái cơ cấu, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thu hút DN đầu tư vào DN...
Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại như các đại biểu Quốc hội đã nêu như: Tính liên kết 3 trục sản phẩm (sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương); khâu chế biến còn yếu dù thời gian qua chúng ta đã hành động tích cực; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập (bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa); yếu về thị trường (thị trường hết sức bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu, chưa tổ chức được thị trường trong nước...);... đồng thời cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để từng bước tháo gỡ khó khăn trong những khâu "yết hầu" nêu trên để đưa lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết, 19 tiêu chí đều được chỉnh sửa theo hướng nâng cao chất lượng cả về đời sống kinh tế, thúc đẩy sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, bảo vệ môi trường... đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu quốc hội đề ra.
Giảm bớt bao cấp
Đưa ra 5 giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, Chính phủ cần tập trung nhiều giải pháp giảm nợ công. Hiện nay, nợ công Việt Nam đang trong ngưỡng cho phép nhưng sẽ vượt trần nếu không có biện pháp quản lý quyết liệt, đặc biệt là với chi tiêu công.
Theo ông Phương, Chính phủ cần kiểm soát tăng vốn vay, gắn trách nhiệm vay nợ, trả nợ với người ký quyết định đầu tư, giảm chi thường xuyên bằng việc cơ cấu lại bộ máy, giảm biên chế, giảm chi các hoạt động khánh tiết… Bên cạnh đó, cần có chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát, chấp nhận tăng tín dụng nhưng không quá cao, quá dài.
Hoạt động DN Nhà nước cần được cải cách, đổi mới tổ chức hoạt động đơn vị công lập cũng là giải pháp thứ 3 được vị ĐB Quốc hội đề cập. Theo ông Phương, giảm bớt bao cấp chính là giảm bớt chi tiêu ngân sách Nhà nước. Trong lộ trình cam kết tham gia các sân chơi quốc tế, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nên cần cơ cấu nguồn thu trong nước. Ông Phương đề nghị việc cải cách chính sách thuế phải phù hợp đời sống nhân dân.
“Chính sách thuế là công cụ quản lý hữu ích, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Thuế đúng thúc kinh kinh tế phát triển, còn không đúng sẽ kéo nền kinh tế đi xuống nên nghiên cứu kiên lưỡng, thận trọng trước khi áp dụng thuế mới, tranh phản ứng tiêu cực trong xã hội như thời gian vừa qua”, đại biểu nói.
Giải pháp cuối cùng được ông Phương nêu trước Quốc hội là nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư công, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhất là các công trình, hạ tầng phục phát triển để tránh lãng phí.
ĐB cho rằng, hàng năm Quốc hội, Chính phủ phải tính toán chi ly mới đảm bảo các khoản đầu tư công. Tuy nhiên, trong đầu tư xây dựng cơ bản lãng phí vẫn xảy ra, giải ngân thấp và sai địa chỉ còn nhiều. Nhiều trụ sở được xây dựng quá hoàng tránh, không phát huy hết công năng, không gắn liền với tinh giảm biên chế…
ĐB Phương kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tính toán có cơ chế thích hợp để thu hút mạnh hơn nguồn vốn từ FDI và các nguồn khác vào xây dựng hạ tầng nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.
"Khi nông dân lao đao, tư lệnh ngành ở đâu?"
Giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Tô Thị Bích Châu nói, bức tranh ngành nông nghiệp dưới lời miêu tả của lãnh đạo ngành nông nghiệp "khá sáng sủa", nhưng ở từng vụ việc cụ thể lại không thấy bóng dáng "tư lệnh".
ĐB Tô Thị Bích Châu dẫn chứng: Về vụ án phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, 10 ngày sau khi sự việc xảy ra tỉnh Đăk Nông mới lên tiếng, khẳng định "hỗn hợp bột pin thu giữ trong vụ việc này không dùng để sản xuất, nhuộm cà phê".
"Mười ngày đó người nông dân đã rất lao đao. Lúc đó tư lệnh ngành ở đâu, Bộ Công Thương ở đâu?", nữ đại biểu đặt câu hỏi. Theo bà, những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông sản trong nước, nhất là cà phê - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã khiến dư luận hoang mang, nông dân trồng cà phê bất an.
Tăng cường quản lý để tránh "lửa bùng lên từ đất đai"
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết vấn đề đất đai vừa qua quá nóng, Thủ tướng không quản cuối tuần họp với các địa phương có khiếu kiện. Doanh nghiệp làm hạ tầng có nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ bán ra với giá gấp hàng chục, trăm lần, khiến dân khiếu kiện khắp nơi, theo đại biểu, là điều dễ hiểu. Nhu cầu phát triển có, nhưng theo ông, cũng cần để ý đến người dân. Không thể kéo dài mãi việc thu hồi hàng nghìn m2 đất mà chưa tính đến công ăn việc làm cho dân…
ĐB cho biết thu hồi đất không còn là bài toán về phát triển kinh tế mà còn đặt ra câu hỏi về bài toán xã hội. Thu hồi đất giao cho DN cần thay đổi, theo hướng doanh nghiệp tự thoả thuận với dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất hộ doanh nghiệp, không để tình trạng thu hồi đất mà dân không biết có dự án.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng đề cập các vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư. Có những DN bên bờ vực phá sản nhưng nhờ thân hữu với chính quyền, được cấp đất không qua đấu giá mà lại phất lên, hậu quả thất thoát ngân sách lớn. Thủ tướng từng nêu công tác quản lý tài sản công có dấu hiệu. Tình trạng dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến đất, có cả đất công, vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp. Lẽ ra Bộ trưởng cần đem lại bệnh viện, trường học nhưng đáng tiếc hàng trăm nghìn hecta đất vàng, kim cương của nhà nước đổi lấy cổng chào, tượng đài.
“Đề nghị tăng cường quản lý về đất đai, mới tránh được nguy cơ lửa bùng lên từ đất”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
Điều chỉnh việc cấp phép lưu hành tác phẩm nghệ thuật
ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết thực trạng hiện có một số chương trình quảng cáo, phim ảnh truyền thống, một số hình ảnh phản cảm, tranh cãi vô bổ, trái thuần phòng đang tồn tại. Từ đó tác động xấu đến truyền thống, đạo đức xã hội, việc hình thành đạo đức xã hội, việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Qua đó ông yêu cần phải chấn chỉnh.
“Việc xét thưởng các giải thưởng văn học nghệ thuật cũng còn nhiều bất cập, cần giảm thiểu thủ tục hành chính cho nghệ sĩ, tác giả. Siết chặt tiêu chí xét giải với các tác phẩm, tránh cào bằng, giảm giá trị uy tín giải thưởng. Cần đánh giá đúng tác giả, tác phẩm để khuyến khích văn hóa nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm lớn, chất lượng, phục vụ cuộc sống, công cuộc đổi mới”, ông nói.
ĐB Bình cũng lưu ý cần điều chỉnh việc cấp phép lưu hành tác phẩm nghệ thuật cũng còn nặng thủ tục hành chính. Cần phải chấn chỉnh để thống thoáng thì để tác phẩm dễ đến với công chúng. Cái gì không trái thuần phong mỹ tục, không bị pháp luật cấm, cần tạo điều kiên tác phẩm đó lưu hành.
ĐB đoàn Quảng Nam cũng cho rằng cần thận trọng để không phải tác phẩm nào cũng được đưa lên các hương tiện thông tin đại chúng. Vị này cũng yêu cầu chấn chỉnh các cuộc sắc đẹp, không phải cơ quan nào cũng có thể đứng ra tổ chức.
Lúc 16h50, buổi thảo luận kết thúc. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngày 25/5, có 42 đại biểu phát biểu, tranh luận, 2 bộ trưởng tham gia giải trình. Sáng mai 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. Bộ trưởng các bộ Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ được mời lên giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |