Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề:
- Xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém.
- Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới.
- Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc.
- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. |
Hơn 250 tỷ đồng đền bù việc nứt, lún nhà dân
Đại biểu Đỗ Đại Phong (đoàn Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Việc thi công dự án giao thông làm sụt, nứt, lún nhà dân, Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp gì để khắc phục?".
Đại biểu Đỗ Đại Phong (đoàn Thái Nguyên) |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Quá trình giám sát, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm và tìm phương án thay thế khi thi công. Nhà thầu nào không tuân thủ sẽ bị xử lý, phạt.
Bộ trưởng cho biết thêm, vừa rồi đã có khoảng hơn 250 tỷ đồng đền bù việc xây dựng khiến rung chấn, làm nứt nhà dân.
Giải toả bức xúc về trạm BOT gần cầu Vàm Cống
Đại biểu Đặng Thuần Phong- Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nêu chất vấn liên quan đến việc xử lý vướng mắc liên quan đến trạm BOT T2 gần cầu Vàm Cống.
Đại biểu Đặng Thuần Phong- Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời, vị trí đặt trạm BOT này đã được lấy ý kiến của UBND tỉnh và một số cơ quan khác ở địa phương; tuy nhiên bức xúc của người dân liên quan dự án có nhiều vấn đề.
Bộ trưởng GTVT cho biết: Trước mắt Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo dừng thu phí trạm T2; tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên đã được khởi công và khi có tuyến tránh này thì vấn đề liên quan đến trạm BOT T2 sẽ được giải toả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có giải pháp hợp lý để tránh bức xúc xã hội trong quản lý các trạm thu phí BOT.
Tranh luận về nhân lực hàng không
Bộ trưởng Thể trả lời hàng loạt câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra cuối phiên chất vấn sáng 5/6.
Về việc thí điểm trung tâm xe điện ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bộ trưởng GTVT cho biết trách nhiệm theo phân cấp thuộc về UBND tỉnh Thanh Hóa. Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ cùng tỉnh Thanh Hóa xử lý nhiều lần. "Tiếp thu đề xuất của đại biểu, chúng tôi sẽ bố trí Thanh tra Bộ vào cuộc làm rõ vấn đề này", ông Thể nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Về trách nhiệm của Nhà nước liên quan đến các BOT gây bức xúc, Bộ trưởng GTVT cho biết vai trò của Nhà nước không phải giải quyết tình trạng mà phải giải quyết cả hệ thống. Về phía Nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT đã báo cáo thường xuyên với Thường trực Chính phủ, nhưng tất cả giải pháp đều đi đến bước nếu muốn giải quyết toàn bộ bức xúc thì nhà nước phải bỏ kinh phí ra để mua lại, bởi tất cả các dự án này đều thực hiện đúng theo Nghị định 108. Nhưng nguồn lực đang khó khăn.
Về vấn đề bảo đảm bình đẳng giữa hãng hàng không Nhà nước và tư nhân, Bộ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị này hoạt động. Tuy nhiên, có tình huống là khi phát sinh hãng mới, mua về nhiều tàu bay, đáng lẽ các hãng mới phải thu hút nhân lực nước ngoài hoặc tự đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng cho hay: "Hiện nay có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các hãng khác, trong đó có hãng hàng không quốc gia Việt Nam, khiến toàn bộ các kế hoạch của hãng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu phải giải trình, làm rõ nguồn nhân lực được đào tạo như thế nào, đảm bảo công bằng giữa hãng hàng không quốc gia và tư nhân".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Thể vấn đề về bình đẳng hàng không. Theo ông, chúng ta cần có chính sách với hàng không. Nếu nói hãng mới thực hiện lôi kéo nguồn lực thì không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động nên phải thực hiện đúng quy định chứ không thể nói người ta làm sai.
Đại biểu cũng chất vấn về việc xe cứu hộ không được đi vào những tuyến phố trong giờ cao điểm.
"Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, với dự án cao tốc Bắc Nam, nếu có cách làm tốt thì sẽ huy động được nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và người dân thông qua phát hành trái phiếu, qua đó giảm gánh nặng nợ nước ngoài.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Ông chất vấn: "Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, sau đó đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên phải lấy chất lượng làm hàng đầu. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiểm soát các đơn vị tư vấn, thi công chặt chẽ ngay từ đầu, thậm chí kiến nghị Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài giám sát để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm" và cho biết, ngành giao thông đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu cao tốc Bắc Nam, cho phép hình thành các liên doanh. Bên cạnh đó, ông Thể cũng đồng ý nếu tổ chức được các gói tín dụng, phát hành trái phiếu để huy động từ dân thì dự án có ý nghĩa toàn diện hơn. Khi dự án có vấn đề thì cá nhân, tổ chức nào vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã nhận được nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và làm tốt trách nhiệm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế. Dù đã được quan tâm nhưng hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, việc phát triển giao thông vận tải cần phải có ngân sách. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ngân sách rất hạn chế, do đó mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hệ thống giao thông vận tải Việt Nam còn rất nhiều bất cập. “Với nguồn vốn được giao, chúng tôi cố gắng tham mưu Chính phủ để thực hiện những dự án trọng điểm nhất, tốt nhất, để sử dụng vốn có hiệu quả”, Bộ trưởng nói. Về lĩnh vực an toàn giao thông, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực mà cả xã hội rất quan tâm vì gắn liền với đời sống của người dân. Ông cho biết được sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông đang từng bước được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đang ở mức cao, số vụ số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, đây là trách nhiệm lớn của ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn các cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị tiếp tục cùng vào cuộc, cố gắng đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn cho người dân. Về công tác quản lý vận tải, Bộ đã bám sát Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư để điều hành. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện mô hình xe mới đó là xe công nghệ, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ mà một số nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến xã hội dư luận quan tâm. Bộ trưởng cho biết, cố gắng trong trách nhiệm của mình sẽ bảo đảm hoạt động vận tải được tốt nhất. Về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tập trung để hoàn thành đúng tiến độ hạ tầng mà Chính phủ đã giao. “Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, nhưng chúng tôi biết nhu cầu rất lớn mà khả năng có hạn. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì đây là cơ sở để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Tư lệnh ngành giao thông nói và cam kết sẽ cố gắng trả lời tốt nhất chất vấn của các đại biểu. |