Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TỔNG THUẬT: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, sáng 5/6

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (5/6), Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đoàn Chủ tịch điều hành chất vấn ngày 5/6 gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
 Toàn cảnh phiên chất vấn.
Buổi sáng, từ 8h00 đến 9h00, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai.
Nhóm vấn đề thứ hai chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà về lĩnh vực xây dựng tập trung vào: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính.
11 đại biểu đăng ký chất vấn
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng 5/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chiều qua đã có một số đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng, và sáng nay có 11 đại biểu đã đăng ký đặt câu hỏi với Bộ trưởng. 

Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để có quá nhiều nhà cao tầng

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án, công trình cấp đặc biệt, các công trình nhà ở từ 25 tầng trở lên thuộc các nguồn vốn khác.

 Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên)

“Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của cá nhân về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội?”, đại biểu chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo luật xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung và quy hoạch riêng lẻ với quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương.

“Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp mà dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng với mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh, kiểm tra”, ông nói.

Hồ sơ pháp lý của các dự án chưa đảm bảo vẫn mở bán không công khai

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) gửi tới Bộ trưởng Xây dựng câu hỏi về tình trạng mua bán đất tại các dự án bất động sản trên giấy tờ theo hình thức hợp đồng góp vốn. Ông chỉ ra thực trạng trên thực địa chưa có đất, hạ tầng đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)

Thậm chí hồ sơ pháp lý của các dự án chưa đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn mở bán không công khai, nguy cơ tạo rủi ro cho người dân và thị trường bất động sản rất lớn.

Đại biểu chất vấn: “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân về vấn đề này và giải pháp trọng yếu nào để chấn chỉnh tình trạng nêu trên?”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thái Bình, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định quy định pháp luật về điều kiện để chủ đầu tư được kinh doanh, mở bán căn hộ đã có đủ nhưng trong thực tế vẫn có chủ đầu tư vi phạm.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị sở xây dựng địa phương cần tăng cường quản lý, kịp thời có văn bản thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh khi chủ đầu tư yêu cầu. Vì chủ đầu tư nếu không có thông báo thì tiếp tục làm những việc đã đề nghị nhưng chưa có ý kiến. Bộ trưởng cho rằng thực tế có địa phương chậm trả lời chủ đầu tư.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương cần tăng trường thanh, kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu vi phạm xử lý phạt tiền, phạt hành chính đúng quy định, trường hợp nghiêm trọng thì xử lý hình sự”.

Quy hoạch nhà ở cho đồng báo khu vực bị lũ lụt, lở đất

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết việc tiến hành quy hoạch nhà ở và khu dân cư cho đồng bào khu vực bị lũ lụt và lở đất như thế nào.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tư lệnh ngành Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đảm bảo an toàn về nhà ở cho nhóm đối tượng này.

Sau khi triển khai các biện pháp thực tế, hơn 650.000 căn hộ đã được xây mới, sửa chữa, đảm bảo chỗ ở an toàn cho hơn 2,5 triệu người dân.

Bộ trưởng cho biết: “Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, xây dựng đề án di dân khẩn cấp ở các vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai để sớm trình Thủ tướng phê duyệt”.

Tháo gỡ quy hoạch chậm triển khai

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về cách giải quyết, tháo gỡ các quy hoạch chậm triển khai.

 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh).

“Vậy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân được hiến định và được luật pháp quy định sẽ được giải quyết như thế nào?”, nữ đại biểu chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng khẳng định việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân là hết sức cần thiết. Do đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát, tháo gỡ những quy hoạch và dự án chậm triển khai.

“Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho gần 100 dự án bất động sản hiện đang còn ách tắc”, Bộ trưởng nói.

Đề nghị làm rõ tình trạng người nước ngoài mua nhà trái phép

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu hiện tượng nhà đầu tư bất động sản ở nước ngoài móc nối với một bộ phận người Việt Nam để mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép.

 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu chất vấn: “Điều này vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bất động sản. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào. Đề nghị trả lời rõ tình trạng và nguyên nhân, phương hướng giải quyết?”.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an làm rõ, nắm tình hình và đưa ra hướng xử lý.

“Trước mắt, tôi đề nghị các địa phương tăng cường quản lý tình hình giao dịch bất động sản, tình hình cư trú của người nước ngoài”, Bộ trưởng cho biết.

 Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc nhóm vấn đề thứ hai.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai.
“Ngành xây dựng còn nhiều hạn chế tồn tại”
Trước đó, chiều 4/6, Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà có 5 phút để giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng cho hay trong nhiều năm qua từ đầu nhiệm kỳ, ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng.
“Ngành xây dựng và Bộ Xây dựng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã - hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận ngành còn nhiều hạn chế tồn tại và đang đưa ra các biện pháp nhằm sớm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó sớm khắc phục các mặt hạn chế.
Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam vì sao ban hành chậm?

Các đại biểu: Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng); Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương); Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên); Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định); Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau);... chất vấn nội dung: Giải pháp xử lý các khu đô thị hoang; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các bộ ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch; vì sao chậm sửa đổi, bổ sung bộ quy chuẩn xây dựng;...

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển,... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu... Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế... Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là: Trách nhiệm trong tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời; trách nhiệm chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; chậm thực hiện, một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân...

Về giải pháp, thời gian tới cần nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công khai quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện, giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...

Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, những năm qua vi phạm về xây dựng (xây dựng không phép, sai phép,...) đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc. Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị... để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.

Năm 2020 sẽ có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn mới trong xây dựng

Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đặt câu hỏi: "Vì sao bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam vốn là trọng tâm của kiến trúc xây dựng đã được xem là chậm nhưng vẫn chưa được sửa đổi bổ sung".

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn bổ sung. Năm 2020 sẽ có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn mới trong xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống quy chuẩn phân tán, nhiều nội dung trùng lặp và nhiều Bộ cùng quản. "Còn tuỳ tiện trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn do quá trình kiểm soát của cơ quan lập dự án chưa tốt", ông thừa nhận.

Riêng năm 2019, ông cho biết sẽ sửa đổi 4 tiêu chuẩn, quy chuẩn là quy chuẩn về quy hoạch đô thị; nhà ở; cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy. 

Sẽ có quy chuẩn về condotel, officetel trong năm 2019

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nêu vấn đề chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel).

Nữ đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu ban hành quy chuẩn. Ngoài ra, bà mong muốn có hướng giải quyết nhanh và phù hợp với thực tiễn.

Trả lời đại biểu Lý Thiết Hạnh, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…).

Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Ông cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.

Việc di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, nhiệm vụ lập danh mục các cơ quan cần di dời với tiêu chí đã giao cho các cơ quan lập, trình Chính phủ phê duyệt. Bộ Xây dựng lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.

"Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời", ông Hà cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các Bộ để đánh giá vì sao di dời chậm và giải pháp ra sao.

Xây dựng chính sách cải tạo chung cư cũ đặc thù cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Mai (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi về việc xử lý những toà nhà chung cư cũ gây nguy hiểm.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra một số các giải pháp, trong đó phải sửa đổi bổ sung thể chế. Ông nhấn mạnh cần có quy định cụ thể và linh hoạt hơn để tăng chiều cao, dân số các dự án cải tạo chung cư cũ sao cho phù hợp.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay: “Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là đang không bảo đảm được sự hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Doanh nghiệp bị hạn chế theo quy hoạch về chiều cao và diện tích dự án, không đảm bảo mục tiêu về lợi ích nên không tham gia”.

Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để xây dựng một số chính sách đặc thù. Ông nêu ví dụ như cải tạo thêm các khu vực xung quanh để tạo thành mô hình đô thị mới, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ông cũng đề nghị các địa phương phối hợp, đưa ra những đề xuất đặc thù với từng địa bàn.

Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt câu hỏi về nguyên nhân giá cả bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời. Ông cũng nhấn mạnh việc chưa đảm bảo được tính minh bạch trong các dự án bất động sản.

Tư lệnh ngành Xây dựng cho rằng các địa phương vẫn chưa thực sự để tâm đến thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa.

Bộ trưởng cho biết: "Việc phê duyệt nhiều dự án không phù hợp yêu cầu thị trường, chủ yếu là ở phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội".

Khu du lịch tâm linh kết hợp thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn ha đất

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc hình thành các khu du lịch tâm linh và thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn hecta đất. "Việc này có cần thiết hay không", đại biểu nêu vấn đề.

Trả lời địa biểu Hòa, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết loại hình này đã được điều chỉnh tại Luật Đất đai, Luật Tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường... Hiện giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng các công trình loại này. Ngoài ra, xây dựng các khu du lịch tâm linh còn chịu sự quản lý của cơ quan tôn giáo địa phương.

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Xây dựng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật đã có nhưng chưa nêu rõ nằm trong quy hoạch đô thị hay du lịch. Vì thế "việc vận dụng ở địa phương chưa thống nhất, tuỳ tiện" nên Bộ trưởng Xây dựng hứa sẽ nghiên cứu, quy định rõ hơn về các dự án dạng này. Ông cũng cho biết, cơ quan này sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân biệt rõ đất dành cho tâm linh, đất cho du lịch... nhằm đảm bảo chặt chẽ sử dụng đất.

Quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh, phá nát quy hoạch đô thị

Nhiều đại biểu đặt vấn đề việc quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh nhiều lần, phá nát quy hoạch đô thị; thậm chí phải điều chỉnh nhiều lần theo ý chủ đầu tư.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: "Bộ chưa có thông tin đầy đủ, song không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó".

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ kiểm soát chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Bộ Xây dựng trong năm 2019 và 2020 sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết một số khu đô thị lớn, giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Tư lệnh ngành Xây dựng cũng thừa nhận hiện quy hoạch nhà và quy hoạch hạ tầng ở các khu đô thị chưa đồng bộ, trong khi pháp luật quy định rõ các loại quy hoạch này phải lập đồng bộ, thống nhất với nhau.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết: "Bộ sẽ cùng địa phương kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để quy hoạch nhanh hơn". 

Công trình vốn Nhà nước giá cao hơn so với tư nhân làm?

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lý do các công trình xây dựng dùng vốn ngân sách Nhà nước giá thành cao hơn nhiều lần so với công trình tương tự do tư nhân làm.

"Việc chậm sửa đổi quy chuẩn tiêu chuẩn và đơn giá xây dựng đang là 'bệ đỡ' cho tình trạng này", đại biểu Phương hỏi.

Thừa nhận bất cập này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết công trình tư nhân làm có giá rẻ hơn do quản lý chặt chẽ, tiếp cận nguồn vật liệu xây dựng giá hợp lý hơn. Chủ đầu tư tư nhân cũng tiết kiệm chi phí quản lý chung nên "đơn giá rẻ hơn công trình dùng vốn Nhà nước".

Theo Tư lệnh ngành Xây dựng, đơn giá xây dựng hiện thấp và sẽ kiểm soát và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp hơn để 'tính đúng, tính đủ và hợp lý".

Kiểm soát tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Trả lời đại biểu Quốc hội về chất vấn người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận, đây là vấn đề có thực. Tuy nhiên, hiện chưa có điều kiện để thống kê số liệu cụ thể.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Hồng Hà cho biết: "Nội dung này Bộ Công an đã có đánh giá, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an xử lý vấn đề này. Đây là việc rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát và hạn chế tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài".

Từ 9h00 đến 11h30, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba.
Sau Bộ Trưởng Phạm Hồng Hà, nhóm vấn đề thứ ba sẽ được Quốc hội chất vấn về lĩnh vực giao thông - vận tải, tập trung vào: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
 Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm trả lời chính.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).