Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng tiến công Xuân 1968: Xé toang bức "bình phong" Đường 9-Khe Sanh

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 trên toàn miền Nam nói chung, ở mặt trận Quảng Trị nói riêng, lực lượng của ta gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân, đều hạ quyết tâm cao nhất, đánh địch ở tất cả địa bàn từ vùng có vị trí chiến lược đến "sào huyệt" của Mỹ ngụy ở thành thị, qua đó đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa về mặt chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam.

Bài 1: Xé toang bức “bình phong” Đường 9-Khe Sanh

Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Mỹ ngụy đã xây dựng tuyến Đường 9-Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, thành khu vực trọng điểm có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Giới quân sự ví Đường 9-Khe Sanh như bức “bình phong” giúp Mỹ ngụy dễ dàng thực hiện được ý đồ của mình.
Cuối tháng 12/1967, Đường 9-Khe Sanh được địch xây dựng thành khu vực trọng điểm có vị trí chiến lược rất quan trọng. Minh chứng là tại đây có đến 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ; biên chế thành 10 tiểu đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới. “So với các vùng chiến thuật khác, đây là vùng địch tập trung số lượng quân và phương tiện chiến tranh có quy mô lớn nhất nhằm mục đích: Ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, tạo ra bức “bình phong” án ngữ trực tiếp cho địa bàn Trị-Thiên Huế, đồng thời giữ cho ngụy quân, ngụy quyền trong khu vực khỏi bị tan rã” - theo Lịch sử Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (1966-1973).
Các chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 31/12/1967, Đảng ủy Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị ra Nghị quyết nêu rõ trong Xuân Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở Đường 9 và phát triển vào Trị-Thiên Huế; thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ ngụy ra Đường 9 càng nhiều càng tốt; đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường toàn miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Trị-Thiên Huế tiến công và nổi dậy, giải phóng nông thôn, đồng bằng.
Thực hiện chỉ đạo này, quân ta đánh địch ở Đường 9-Bắc Quảng Trị theo các hướng: Hướng Tây đánh vào Khe Sanh, đây là hướng chủ yếu do các Sư đoàn 325 và 304 phụ trách. Hướng Đông được xác định là quan trọng, do Sư đoàn 320 và 3 Trung đoàn của Sư đoàn 324 phụ trách. Hướng Nam là khu đệm, đánh địch ở đây để phát triển vào Trị-Thiên Huế, lực lượng của Trung đoàn 27 làm tiên phong. Ngày 20/1/1968, các đơn vị bộ đội của ta đã cơ bản tập kết xong lực lượng, phương tiện, vũ khí, kỹ thuật trên các vị trí được phân công.
Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị, phát lệnh nổ súng tiến công Khe Sanh, với trận mở màn theo hướng Tây, đánh chiếm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa và điểm cao 832. Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa nằm trên Đường 9, ở vị trí trung tâm Khe Sanh. Nơi này được Mỹ ngụy đánh giá là “an toàn nhất” trong hệ thống phòng thủ Đường 9-Khe Sanh.
Đêm 20 rạng sáng 21/1/1968, pháo binh của Sư đoàn 304 khai hỏa liên hồi, trước sự bất ngờ của địch. “Đòn tiến công bất ngờ kéo dài với uy lực mạnh chưa từng có của pháo binh ta, đánh vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Khe Sanh đã “khoan” nhiều hố trên đường băng, làm cháy kho đạn 1.500 tấn, phá 1 máy bay lên thẳng,” Lịch sử Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận. Sau đó lực lượng của ta tiếp tục cơ động đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở Trung tâm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa. Đạo diễn bộ phim “Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày”, nhà báo Michael Maclear người Mỹ mô tả trận đánh này: “Pháo tầm xa của Bắc Việt mở màn cuộc bao vây ở Khe Sanh với sự chính xác tai hại, 300 quả đạn đã làm 18 lính Mỹ chết, 40 bị thương, những quả đạn pháo ấy như rơi ngay vào Washington."
Tiếp đà thắng lợi, ngày 23/1/1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9-Khe Sanh hạ lệnh, tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự Huội San nằm sát biên giới Việt-Lào, trong đó trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Đây là cứ điểm ngăn chặn Đường 9 rất quan trọng của địch ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Bên cạnh các lực lượng bộ đội chủ lực, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội xe tăng của ta được trực tiếp vào chiến trường tham gia chiến đấu. Theo Lịch sử Binh chủng Thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam, đại đội 3 xe tăng nêu quyết tâm: “Kiên quyết đánh thắng trận đầu, một xe, một người cũng quyết đánh. Nếu phải chuyển sang đánh ban ngày cũng quyết đánh cho đến khi thắng lợi."
Đến sáng 24/1, quân ta đã làm chủ căn cứ Tà Mây, cùng hệ thống phòng ngự Huội San của địch. Phần lớn quân địch chốt giữ ở đây bị tiêu diệt và bị bắt. Hệ thống phòng ngự Huội San, Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa bị tiêu diệt, đã cắt đứt “mắt xích” rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía Tây Đường 9 của địch. Ở các hướng tiến công khác, quân ta đã chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cắt đứt sự vận chuyển của địch trên Đường 9, đẩy Khe Sanh vào tình trạng bị cô lập.
Đến ngày 31/1/1968, sau 11 ngày chiến đấu, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch. Khi Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của quân Mỹ, cũng là lúc quân dân ta đồng loạt nổ súng đánh địch ở các đô thị trên toàn miền Nam.
Đầu tháng 2/1968, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh nhẹ ở Đường 9 và tập trung quân và hỏa lực chiếm đóng các điểm cao 550, 595, 573 nhằm bảo vệ cụm cứ điểm Tà Cơn. Ở Tà Cơn, địch lập sân bay chuyên dùng cho các loại máy bay trinh sát, lực lượng chiếm đóng có thủy quân lục chiến, xe tăng, thiết giáp...
Trong tham luận: "Quảng Trị-Địa bàn của những trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước," tại Hội thảo khoa học ‘‘40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ," tác giả Nguyễn Văn Hùng viết: Với khẩu hiệu “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ,” ta đã sử dụng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt” để diệt cụm cứ điểm Tà Cơn của chúng.
Đối chọi lại hành động vây lấn kiên cường của ta, quân Mỹ cũng tiến hành phản ứng điên cuồng. Trên diện tích cứ điểm chỉ 34 km2, trung bình mỗi ngày địch sử dụng trên 300 lần chiếc máy bay dội xuống hàng nghìn tấn bom đạn và trên 100 nghìn quả đạn pháo 175mm. Dù vậy, vòng vây lấn của bộ đội ta vẫn ngày càng siết chặt. Hầu như toàn bộ quân địch ở đây phải sống dưới hầm ngầm. Máy bay vận tải C130 của chúng hàng ngày phải xuất kích 140 lần để tiếp tế và tải thương nhưng chỉ có khoảng 40 lần hạ cánh thành công. Khắc phục tình trạng trên, địch dùng máy bay thả đồ tiếp tế nhưng cũng không hiệu quả.
Trên đà thắng lợi, quân ta liên tiếp đánh địch và giải phóng hoàn toàn Khe Sanh giữa tháng 7/1968, qua đó kết thúc thắng lợi chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân hè 1968. Nguyên Phó Trưởng Ban An ninh Quảng Hà, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang, năm nay đã 80 tuổi nhớ lại. Hồi năm 1968, khi hoạt động ở địa bàn Quảng Trị, tôi có bí danh là Việt Hà.
Trong Tổng tiến công Xuân năm 1968, trên mặt trận Đường 9-Khe Sanh, quân ta đánh địch sớm nhất, quyết tâm nhất và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhất. Những chiến thắng liên tiếp ở Đường 9-Khe Sanh đã cổ vũ bộ đội, quần chúng nhân dân, đồng loạt nổ súng và nổi dậy đánh Mỹ ngụy ở các mặt trận: Huế, thị xã Quảng Trị và vùng nông thôn.
Cũng theo Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang, những thắng lợi ở mặt trận Đường 9-Khe Sanh còn có ý nghĩa về mặt chiến lược, đó là thu hút địch ra khỏi mặt trận thành phố Huế để quân ta đánh vào trong đô thị này. Đồng thời thu hút lực lượng Mỹ ngụy tập trung lên khu vực biên giới Việt Nam-Lào, để quân ta vận chuyển vũ khí và đưa lực lượng vào đô thị để tổng tiến công địch Tết Mậu Thân 1968.
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá: “Quân dân ta trên Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã vượt qua những thời điểm khó khăn, gian khổ quyết liệt nhất, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, lập nên những chiến công to lớn, có những chiến công có ý nghĩa chiến lược quan trọng, như chiến thắng Đường 9-Khe Sanh trong cuộc Tổng tiến công năm 1968".