Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Top 10 sự kiện công nghệ thông tin Việt Nam nổi bật năm 2017

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bitcoin, Bphone và chuyến thăm của Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma đến Việt Nam... là những điểm nhấn của ngành công nghệ thông tin (ICT) trong nước suốt 1 năm qua.

Mới đây, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2017. Các sự kiện này được lựa chọn trên những tiêu chí như nằm trong lĩnh vực ICT có tác động lớn đến xã hội, được đông đảo xã hội và giới truyền thông quan tâm…
1. Nhà mạng khai trương và đồng loạt triển khai 4G
Ngày 18/4/2017, Viettel chính thức khai trương mạng 4G. Chỉ trong 6 tháng, Viettel đã xây dựng xong gần 36.000 trạm thu phát sóng 4G phủ rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99%, huyện của Việt Nam.
 
Điểm đặc biệt nhất trong chiến dịch triển khai trạm 4G lần này là chỉ trong 6 tháng, Viettel đã xây dựng được hạ tầng 4G lớn hơn cả hạ tầng 3G đã làm trong suốt 8 năm. Viettel sẽ phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam, ở nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng có sóng 4G.
Trước đó, tháng 11/2016, VNPT tuyên bố cung cấp dịch vụ 4G đầu tiên ở Việt Nam tại huyện đảo Phú Quốc để phục vụ người dân và du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang.
Sau đó, thay vì chọn cách khai trương rầm rộ mạng 4G như Viettel, thì VNPT chọn giải pháp khai trương 4G ở từng địa phương. Có lẽ đây là bước đi phù hợp trước một đối thủ mạnh. Tương tự như vậy, MobiFone cũng cung cấp dịch vụ 4G theo chiến lược "vết dầu loang.
2. Bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự liên quan đến cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận bỏ Điều 292 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 liên quan đến tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp, startup rất quan tâm là việc bãi bỏ Điều 292, quy định cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ qua mạng.
 
Cộng đồng kiến nghị bãi bỏ bởi lo ngại điều luật này có thể làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng startup, khiến họ nảy sinh tâm lý sẽ ưu tiên chọn những quốc gia khác để khởi nghiệp, gây chảy máu chất xám.
Việc bãi bỏ Điều 292 có thể thấy Quốc hội và Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc xử lý các thông tin bức xúc của người dân, đồng thời thể hiện đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, xây dựng môi trường pháp lý chuyên nghiệp và thuận lợi cho sự phát triển.
3. 20 năm Internet Việt Nam
Tháng 12/2017 đánh đáu mốc 20 Năm Interrnet có mặt tại Việt Nam Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
 
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
4. Dự thảo Luật An ninh mạng được trình quốc hội và gây nhiều tranh cãi
Sau 14 lần chỉnh sửa, Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được đánh giá là đã hoàn thiện và chi tiết hơn. Theo lộ trình, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
 
Tuy nhiên nội dung dự thảo có hàng loạt quy định được các chuyên giá đánh giá còn nhiều bất cập, chồng chéo với Luật An toàn thông tin đã được ban hành trước đó, bất khả thi và gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế có hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Ví dụ, khoản 4, điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động cung cấp dịch vụ tại Việt Nam bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
Điều này được xem là bất khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Từ đó những dịch vụ xuyên biên giới như của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo Mail, Uber, Grab, YouTube, Twitter,... đều có nguy cơ phải hoạt động "bất hợp pháp" ở Việt Nam.
5. Việt Nam mạnh tay với Google và Facebook
Trong năm 2017 Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần làm việc với Google và Facebook để bàn về việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Google đã cam kết sẽ gỡ bỏ toàn bộ kênh nếu như trên kênh đó đăng clip vi phạm.
 
Đây là một kết quả rất tốt trong việc đàm phán cơ chế giải quyết vi phạm với Google. Trước đây Google và Facebook chỉ gỡ bỏ clip vi phạm sau khi nhận được yêu cầu xử lý, nhưng bây giờ nếu phía Việt Nam phát hiện, lọc ra và gửi thì Google cam kết sẽ gỡ bỏ cả kênh vi phạm luôn.
Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động làm việc với Google và Facebook để thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc. Qua đó, Google đã gỡ bỏ 4.500 trên tổng số 5.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới.
Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán quảng cáo các sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Google cũng đồng ý không gỡ bỏ từng video clip như trước đây. Nếu Việt Nam phát hiện, lọc và gửi cho Google, công ty này sẽ gỡ bỏ toàn bộ kênh vi phạm.
6. Bitcoin khuấy đảo thị trường tiền ảo tại Việt Nam
Năm 2017 đồng tiền ảo bitcoin đã làm khuynh đảo thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, sau 8 năm ra đời. Nếu như ở thời điểm đầu năm 1 bitcoin chỉ có giá chưa đầy 1000 USD thì đến cuối năm con số này đã tăng hàng ngàn %, đỉnh điểm giữa tháng 12 ghi nhận mức giá lên tới hơn 19.700 USD, sau đó liên tục đi xuống và một số sàn giao dịch quốc tế đã phải đóng cửa tạm thời khi đồng tiền này xuống dưới 11.000 USD.
 
Bất chấp các khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước về việc không chấp nhận bitcoin trong các giao dịch, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn lao vào cuộc chơi, kiểu "tâm lý đám đông". Không có con số thống kê cụ thể nhưng chắc chắn nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã phải chịu cảnh "điêu đứng" theo thị trường của đồng tiền ảo này.
7. Chuyển đổi thành công mã vùng điện thoại cố định
Từ 11/2/2017 đến 31/8/2017, 59 tỉnh, TP trên toàn quốc đã được quy hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại mới. Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại này đã được tiến hành xong. Đây là hoạt động nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ.
 
Đồng thời, việc chuyển đổi mã vùng sẽ giúp độ dài mã vùng được nhất quán, đáp ứng thông lệ quốc tế. Việc chuyển đổi này tác động mạnh nhất là VNPT khi nắm giữ thuê bao cố định lớn nhất. Bộ TT&TT thực hiện kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định là tạo điều kiện để chuyển các mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay.
8. Bkav ra mắt Bphone 2017
 
Ngày 8/8/2017, Tập đoàn Công nghệ BKAV đã ra mắt Bphone 2017. Sau khá nhiều lời bàn ra tán vào, cả khen, cả chê, BKAV vẫn kiên định theo đuổi "cuộc chơi" sản xuất smartphone. Động thái này cho thấy đam mê và quyết tâm của BKAV với mong muốn chinh phục thị trường Smartphone Việt. Vốn vẫn đang nằm trong tay các Ông lớn nước ngoài.
9. Thu hồi 24,3 triệu SIM kích hoạt sẵn
Từ cuối năm 2016, việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn của các mạng di động đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, thu hồi hơn 18 triệu sim kích hoạt sẵntính đến thời điểm 23/1/2017.
 
Trong tháng 3/2017, 5 nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel, Vietnamobile đã ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Tháng 5/2017, 5 nhà mạng tiếp tục cùng ký cam kết phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác.
Đến đầu tháng 12/2017, cả 4 nhà mạng lớn đều đã có hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh, dự kiến sẽ triển khai trong dịp cuối năm nay để chặn đứng tin nhắn rác. Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 24,3 triệu SIM kích hoạt sẵn bị thu hồi trong năm 2017.
10. Jack Ma đến Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử
Ngày 6/11/2017, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đã có phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hoá.
 
Tỷ phú Jack Ma cho rằng, khi bắt tay xây dựng Alipay, Alibaba có nhiều khó khăn như Việt Nam bây giờ bởi tâm lý người dân vẫn thích dùng tiền mặt, rất ít người dân có tài khoản ngân hàng...
Thế nhưng, thanh toán không dùng tiền mặt cứ quyết tâm làm là được nếu không muốn làm thì có cả triệu lý do. Sự kiện Jack Ma đến Việt Nam được cho là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời sự kiện này sẽ tác động tương lai của thương mại điện tử Việt Nam, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên các thiết bị di động.