Monday, 08:17 02/11/2020
Tột cùng nỗi đau do sạt lở đất
Kinhtedothi - Từ Rào Trăng ở Thừa Thiên Huế đến Hướng Hóa tại Quảng Trị, và nay là Trà Leng, Phước Lộc của Quảng Nam, tang thương mất mát chồng chất với chung một nỗi đau tột cùng mang tên sạt lở. Tiếng khóc thương ai oán nghe não nề, xé nát tâm can người ở lại. Trời xanh ơi có thấu?
Xé lòng ở Trà LengThi thể một người đàn ông được tìm thấy vừa đưa lên khỏi hiện trường vụ sạt lở ở Nóc ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), dân làng xúm lại nhận mặt xem có phải người thân của mình hay không. Ông Đề khóc than gọi tên con rồi cứ đứng lên ngồi xuống không yên, liên tục đập tay xuống đất...Ông Đề là người đầu tiên đến mở tấm chăn nhận mặt thi thể nạn nhân. Vừa thấy mặt con trai út Hồ Văn Hùng, ông Đề khóc than thảm thiết rồi gục xuống bên thi thể… Vợ ông Đề tay run run mở nắp chai nước rửa mặt cho con trai. Dân làng ai cũng sụt sùi khóc thương. Đau đớn.Ở Trà Leng này, tên già làng được lấy để đặt cho một thôn xóm và gọi là Nóc. Thôn 1 nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng là Nóc ông Đề, lấy tên già làng Hồ Văn Đề, 77 tuổi. Trong cơn thảm nạn vừa qua của dân làng, vợ chồng ông Đề thoát chết do khi xảy ra sạt lở họ đang lên rẫy lấy lúa. Ông Đề cũng như bao người dân may mắn thoát nạn bàng hoàng khi trở về thấy cả thôn với 11 ngôi nhà đã bị san phẳng, dân làng người chết, mất tích, kẻ bị thương rất nặng.77 tuổi, người đàn ông M’Nông Hồ Văn Đề dạn dày sương gió, can trường, vẫn dẻo dai và minh mẫn, nhưng cú sốc quá lớn đã khiến ông không còn đủ sức để nhớ người thân và dân làng mình bao nhiêu người đã chết. Phải thật lâu định thần già mới bấm được đầu ngón tay để đếm số người thân trong gia đình mất là con số 8. “Bố đi thu hoạch lúa trên rẫy, lúc về thấy cả xóm bị lấp. Bố bị mất người thân, mất nhà. Buồn đau lắm. Khóc mấy ngày nay rồi”, già Đề chỉ nói đến đó, rồi khóc đến thâm quầng đôi mắt.Mấy hôm nay, chị Hồ Thị Hòa khóc cạn nước mắt bởi 8 người thân gồm bố, mẹ, em gái, con trai 4 tuổi, vợ chồng ông cậu cùng đứa con nhỏ và dượng là Bí thư xã Trà Leng Lê Hoàng Việt bị cuốn theo cơn lũ, đến nay mới chỉ tìm được thi thể của người cha. Chị Hòa như người mất hồn, đôi mắt cứ nhìn về phía đống đổ nát với hy vọng một phép màu nào đó sẽ đến. “Con em mới 4 tuổi làm sao chạy cho kịp. Nếu cháu không có ở đây thì chắc là bị trôi xuống suối rồi...”, chị Hòa nghẹn ngào nói trong nước mắt.Chị Hòa gửi cậu con trai cho ba mẹ để xuống Tam Kỳ làm nghề cắt tóc. Hôm nghe tin cả làng bị vùi lấp, chị tức tốc tìm mọi cách để tìm về ngóng tin người thân, nhưng hỡi ôi... Giờ đây, khi không còn gia đình, người thân và làng xóm, chị Hòa cũng như bao nhiêu người khác ở Tà Leng sẽ sống ra sao giữa cuộc đời này. Nghĩ đến đây thôi, lòng tôi lại quặn thắt, nước mắt rơi.Còn rất nhiều người dân Trà Leng đang phải cố gắng đối mặt và vượt qua nỗi đau thương mất mát quá lớn này, mà trong khuôn khổ bài viết này tôi chưa thể chuyển tải hết được. Chỉ biết rằng, họ - người mất cha mẹ, kẻ mất con, vợ mất chồng, có người mất sạch…Trong quá trình tiếp cận hiện trường và chứng kiến cảnh tìm kiếm đồng bào trong vụ sạt lở ở Trà Leng, tôi đã nhiều lần quay mặt đi lau nước mắt. Những đồng nghiệp của chúng tôi như anh Đỗ Vinh (Kênh truyền hình VTV8) đã không cầm được nước mắt khi đứng dẫn trực tiếp hiện trường. Nhà báo Đoàn Hữu Trung (Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Nam) khóc òa ngay tại hiện trường tìm kiếm thấy một cháu bé. Từ Rào Trăng ở Thừa Thiên Huế đến Hướng Hóa tại Quảng Trị, và nay là Trà Leng, Phước Lộc của Quảng Nam, tang thương mất mát chồng chất với chung một nỗi đau tột cùng mang tên sạt lở. Tiếng khóc thương ai oán nghe não nề, xé nát tâm can người ở lại.Theo sông Tranh tìm kiếm các nạn nhânĐến chiều 1/11, lực lượng chức năng đã lật tung hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 1, xã Trà Leng và tìm thấy thi thể 8 nạn nhân, hiện còn 14 nạn nhân đang mất tích. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương triển khai mọi phương án tìm kiếm người dân. Nhận định khả năng thi thể nhiều nạn nhân bị lũ quét cuốn trôi nên lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm theo hướng trên sông Tranh. Trưa 1/11, lực lượng Cảnh sát Phòng chát chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Bắc Trà My, huyện Nam Trà My, Bộ đội Biên phòng và hơn 50 người dân đã triển khai tìm kiếm nạn nhân theo hướng này. Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, có 32 thuyền, ca nô được tập trung để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Tuy nhiên, khi triển khai tìm kiếm trên sông, lực lượng chức năng đã gặp khó khăn vì củi khô, vật cản nhiều dưới lòng sông.
Lực lượng cứu hộ băng rừng, vượt núi qua nhiều điểm sạt lở kinh hoàng để gùi hàng tiếp tế cho bà con hai xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) vào ngày 1/11. Ảnh: Quang Hải |
9 giờ sáng 1/11, máy bay Mi 171 thuộc Trung đoàn 930 - Sư đoàn Không quân 372 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên cứu trợ người dân đang bị cô lập tại xã Phước Lộc. Hai tấn hàng gồm gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và cơ số thuốc men được thả xuống cho bà con. Chuyến đầu tiên khá thuận lợi. Các lực lượng đã phối hợp đồng bộ để có thể tiếp nhận hàng hóa từ máy bay thả xuống, sau đó khẩn trương phân phát về từng thôn. Hiện nay, các lực lượng tiếp tục khảo sát đường từ Phước Công vào Phước Lộc, nếu thiết lập thành công sẽ tiếp tục triển khai thêm một mũi để hỗ trợ cho người dân. Phước Lộc bây giờ tương đối yên tâm. Trong ngày hôm nay, Quân khu 5 đã chỉ đạo cho bay liên tục, bất cứ thời điểm nào thời tiết đảm bảo là cất cánh.Đại tá Trương Quang Nhạn - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 |