Nhiều tour lỗ nặng Theo các DN lữ hành quốc tế, lượng khách đi một số nước châu Âu có nguy cơ bị khủng bố đang giảm và thay đổi rõ rệt trong việc lựa chọn điểm đến. Phó Giám đốc TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho biết, hiện du khách Việt Nam có tâm lý “né” tour châu Âu vì lo ngại vấn đề an ninh. Điều này khiến DN lữ hành vừa làm vừa lo. “Dịp 30/4 vừa qua, TransViet thiệt hại nặng do vụ khủng bố ở Bỉ. Thay vì đoàn đi 20 người như thường lệ, chúng tôi phải hạ giá rất nhiều nhưng cũng chỉ có 11 khách đi tour. Thế nên, Công ty bị lỗ đến 100 triệu đồng” - ông Đạt chia sẻ và cũng cho biết thêm, trong chiến lược kinh doanh, TransViet đã chấp nhận rủi ro đặt dịch vụ sớm và với số lượng lớn để đàm phán với các đối tác cung cấp dịch vụ ở châu Âu và cả các hãng hàng không mức giá tốt nhất có thể. Do đó, Công ty phải giảm giá tour châu Âu xuống còn 10 triệu đồng, nhưng việc hút khách vẫn rất khó khăn. Đây là rủi ro có thể xảy ra ở bất kỳ hành trình tour nào và DN lữ hành phải chấp nhận, vì kinh doanh cũng có lúc thăng lúc trầm.
Trước vụ đảo chính bất thành khiến gần 200 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, ông Lê Công Năng – Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, DN chưa ghi nhận được trường hợp hoãn, hủy tour châu Âu. Tuy nhiên, đối với du khách đã đăng ký tour châu Âu tại Vietrantour có mong muốn đổi điểm đến hoặc hủy chuyến, Vietrantour sẽ phối hợp với hãng hàng không và đối tác để đổi cho du khách các tour có giá trị tương đương như tour Australia, Nam Phi, Ấn Độ, Cuba… hoặc đưa ra phương án hoàn tiền, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Phân hóa đa dạng hơn Chính vì e ngại tình hình bất ổn nên nhiều du khách chuyển hướng tour châu Âu. Theo Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan, tổng lượng khách đi châu Âu tại Công ty thời gian qua không giảm, nhưng lại có sự thay đổi rõ rệt về điểm đến. Thay vì hành trình tour truyền thống, du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến mới mẻ và ít có khả năng xảy ra khủng bố hơn. Ông Hoan dẫn chứng, cách đây mấy năm, khách đi châu Âu tập trung vào 2 sản phẩm chính là chương trình 15 ngày, 6 nước (Italia, Thụy Sỹ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức) và 10 ngày, 4 nước (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức). Nhưng hiện nay, số lượng khách đi 2 tour này giảm rõ rệt do hành trình đa dạng hơn và khách hàng muốn tránh những quốc gia có nguy cơ bị khủng bố. Do đó, các tour Đông Âu (Đức – Séc – Áo - Hungaria) hiện hút khách. Mặt khác, thay vì thích đi theo tour truyền thống kéo dài 10 hoặc 15 ngày với khoảng 20 người/đoàn, khách đi châu Âu có xu hướng đi theo đoàn ít người hơn (từ 7 - 10 người) theo hành trình họ mong muốn. Ông Hoan nhận định, hiện tour đi châu Âu đã giảm được khoảng 40% chi phí so với trước đây, chẳng hạn, tour đi Đông Âu giảm từ 100 triệu đồng xuống còn 60 triệu đồng. Du khách Việt có xu hướng không quay lại những điểm đến truyền thống của châu Âu, mà có sự chia sẻ, lựa chọn điểm đến ngày càng phong phú. Nếu nhìn vào một số sản phẩm tour cơ bản và một số đường bay thì lượng khách có vẻ giảm, nhưng nhìn tổng thể thì khách đi châu Âu không giảm mà có sự phân hóa đa dạng hơn. Ở góc độ nhà quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều tác động đến tâm lý du khách trong việc lựa chọn điểm đến tại các thị trường an toàn và ổn định. Đây vừa là cơ hội, song cũng là thách thức đòi hỏi Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phải vượt qua, tạo đột phá để thu hút và níu chân các “Thượng đế”.
Tham khảo tour quốc tế tại Hội chợ Du lịch 2016. Ảnh: Công Hùng |