KTĐT - Cuối chiều 15-4, Toyota Việt Nam (TMV) chính thức lên tiếng xin lỗi khách hàng của mình và người tiêu dùng Việt Nam. TMV cũng công bố kế hoạch cụ thể triệu hồi xe Innova và Fortuner, bắt đầu từ ngày 18-4 tới tại mạng lưới các đại lý của TMV trên toàn quốc.
Theo đó, TMV đưa ra “Chương trình Kiểm tra xe miễn phí”, được thực hiện với tất cả các xe Innova và Fortuner được sản xuất kể từ ngày 23-12-2010 trở về trước. Tất cả xe Innova và Fortuner nằm trong diện bị ảnh hưởng trên sẽ được kiểm tra và sửa chữa miễn phí.
Cụ thể, với hạng mục thứ 1 (kiểm tra áp suất dầu phanh xi lanh phanh bánh sau): Chương trình áp dụng với dòng xe Innova J (được sản xuất từ 19-1-2010 đến 24-11-2010). Kỹ thuật viên TMV sẽ kiểm tra áp suất dầu phanh bánh sau và điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Thời gian kiểm tra và sửa chữa tối đa mất khoảng 2 giờ mỗi xe.
Hạng mục 2 (kiểm tra lực siết bu lông bắt móc neo chân ghế sau): Áp dụng cho tất cả xe Innova (được sản xuất từ ngày 26-12-2005 đến 23-12-2010) và tất cả xe Fortuner (được sản xuất từ ngày 16-2-2009 đến 23-12-2010). Kỹ thuật viên của TMV sẽ kiểm tra tổng thể 4 bu lông bắt móc neo chân ghế sau, nếu lực siết nằm ngoài tiêu chuẩn, hãng này sẽ siết lại theo đúng lực tiêu chuẩn. Thời gian kiểm tra và sửa chữa tối đa mất khoảng 12 phút mỗi xe.
Hạng mục 3 (kiểm tra và siết lại bu lông Camber): Kỹ thuật viên TMV sẽ làm lỏng các bu lông này và siết chặt lại ở điều kiện tải trọng tiêu chuẩn với các dòng xe Innova J và Innova G được sản xuất từ ngày 26-12-2005 đến 13-10-2006. Thời gian kiểm tra và sửa chữa tối đa mất khoảng 2 giờ mỗi xe.
Chiều cùng ngày, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Đỗ Hữu Đức cho biết: “TMV báo cáo số lượng xe phải kiểm tra, xử lý áp suất dầu phanh là 167 xe Innova sản xuất trong năm 2010; kiểm tra, xử lý lực siết bu lông bắt móc neo chân ghế 53.280 xe Innova và 12.423 xe Fortuner sản xuất năm 2010; kiểm tra, xử lý lực siết bu lông Camber 349 xe Innova J và 7.021 xe Innova G sản xuất năm 2006”.
Theo ông Đức, đây mới chỉ là số xe có khả năng có lỗi kỹ thuật mà tính đến thời điểm hiện tại TMV xác định được. Do có nhiều xe đã được sản xuất cách đây đã lâu nên TMV sẽ tiếp tục kiểm tra thêm, nếu phát hiện lỗi, hãng sẽ thông báo cho khách hàng và báo cáo với Cục ĐKVN.
“Cục ĐKVN đã phân công bộ phận chức năng theo dõi, giám sát việc xử lý các lỗi kỹ thuật và vẫn đang tiếp tục làm việc với TMV để làm rõ một số vấn đề có liên quan, đưa ra biện pháp nhằm hạn chế tối đa lỗi kỹ thuật tương tự có thể xảy ra trong tương lai”, ông Đức nói.
Chế tài: Chỉ dừng ở việc triệu hồi xe sửa chữa
Sáng 15-4, trao đổi với báo chí về vụ TMV có hàng loạt xe ô tô phải triệu hồi do lỗi, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao cho biết: Việc phạt tiền khi phát hiện lỗi trong quá trình sản xuất xe phải có quy định cấp cao nhất là Chính phủ. Lỗi này của TMV không lớn, nhưng hãng phải triệu hồi sửa chữa, thay thế bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trong quá trình sản xuất, sơ xuất đều có thể xẩy ra. Trước mắt, những lỗi như thế vẫn làm theo thông lệ quốc tế là triệu hồi xe để sửa chữa. Chế tài của Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở đó.
Về số lượng xe bị lỗi do TMV công bố có chính xác? Ông Giao nói: “Việc công bố bao nhiêu xe thì mình cũng nên tin tưởng vào TMV. Khi họ nhận ra lỗi rồi thì họ sẽ thống kê một cách rõ ràng và chính xác”.
Trả lời câu hỏi “Sao Cục không kiểm tra dây chuyền sản xuất của TMV?”, ông Giao cho biết: Cơ quan đăng kiểm không có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất. Trước lỗi của Toyota, chúng tôi chỉ làm việc với họ để thu hồi sửa chữa. Theo quy định, chúng tôi chỉ kiểm tra xe mẫu và trong quá trình sản xuất phải làm theo mẫu đó. “Chắc chắn tới đây phải bổ sung thêm nhiều chế tài mạnh mẽ hơn để có cơ sở xử phạt trường hợp tương tự”, ông Giao nói.
Sẽ nghiên cứu bổ sung chế tài Về hàng loạt xe của Toyota Việt Nam bị lỗi, có thể gây tai nạn, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, cho biết: Hiện chưa có thống kê lỗi phương tiện dẫn đến TNGT. Trên thế giới, lỗi phương tiện là có nhưng phải thấy rằng người sản xuất phát hiện ra ngay và chịu trách nhiệm về nó. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi phải giám sát, thực hiện quản lý, sửa chữa cái này. Trả lời câu hỏi “Vụ TMV để hàng loạt xe lỗi, nhưng tới nay cơ quan quản lý chưa xử phạt, có phải thiếu chế tài”, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói: “Quản lý nhà nước có những cái phải đi trước nhưng thường lại đi sau. Vụ Toyota là phát sinh mà cơ quan quản lý cần nghiên cứu để đề xuất sửa luật”. |