Đề xuất của UBND TP HCM về bố trí lệch ca, lệch giờ làm trình UBND năm 2007 như sau: - Tất cả cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, chính trị xã hội bắt đầu làm từ 7h30 hoặc 8h, kết thúc 16h, 16h30 hoặc 17h. Thủ trưởng các đơn vị phải sắp xếp thời gian nghỉ trưa trong khoảng từ 30 phút đến 60 phút hoặc 90 phút cho đơn vị mình. Các đơn vị phải giám sát giờ làm việc của cán bộ, công chức thuộc đơn vị mình đảm bảo đúng 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần, chống lãng phí ngày giờ công lao động. - Về lệch giờ học, các lớp mầm non vào học 7h30 sáng, tan trường 16h30; cấp tiểu học buổi sáng vào học 7h30 và tan học 11h30, buổi chiều vào học 13h15 và tan học 16h45; cấp THCS buổi sáng vào học lúc 7h và tan học lúc 11h30, buổi chiều vào học 13h15 và tan học lúc 17h15; cấp THPT buổi sáng vào học lúc 6h45 và tan học lúc 11h30, buổi chiều vào học lúc 13h30 và tan học lúc 17h45. - Đối với các khu công nghiệp và khu chế xuất, UBND TP HCM không đề xuất làm việc lệch giờ, lệch ca. Riêng khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), giãn giờ tan ca từ 16h30 đến 17h. |
TP HCM chưa có phương án lệch ca, lệch giờ
KTĐT - 5 ngày nữa là đến hạn phải báo cáo Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên TP HCM vẫn chưa có phương án cụ thể. Nhiều quận huyện cho rằng không cần thiết phải thay đổi giờ làm.
Chiều 15/11, UBND TP HCM đã họp với các sở ban ngành về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng phương án lệch ca, lệch giờ làm trên địa bàn. Mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ban ngành phải có báo cáo nghiên cứu khảo sát thực tế về ùn tắc giao thông và phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm theo nhiệm vụ đã được phân công, tuy nhiên, các sở ban ngành đã đến dự cuộc họp "tay không". Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, đã yêu cầu 24 quận huyện báo cáo nghiên cứu khảo sát về ùn tắc giao thông, tuy nhiên chỉ có 5 quận huyện thực hiện. Đa số quận huyện cho rằng, không cần thiết phải áp dụng phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm. Sau đó, UBND thành phố đã giao cho Sở Giao thôngVận tải và Ban An toàn giao thông thành phố chấp bút trên cơ sở báo cáo theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công của các sở ban ngành và từng địa phương về nghiên cứu khảo sát thực tế về ùn tắc giao thông, trong đó có phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong bản báo cáo này, UBND thành phố cũng yêu cầu các sở ban ngành phải nhấn mạnh đến đặc điểm riêng của giao thông TP HCM để có phương án hợp lý. Theo ông Nguyễn Thành Tài, cố vấn cho UBND thành phố về giao thông, TP HCM đã xây dựng đề án lệch ca, lệch giờ làm từ năm 2001 và đến năm 2007 đã trình HĐND. Đề xuất đã không được HĐND thông qua do có quá nhiều bất đồng xoay quanh vấn đề nếu áp dụng sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân. "Tuy nhiên, từ đó đến nay TP HCM vẫn thực hiện bố trí lệch ca, lệch giờ từng bước", ông Tài nói. Ông cũng cho biết thêm, trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố về phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm năm 2007, TP HCM sẽ chỉnh sửa và có bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, phương án cụ thể về bố trí lệch ca, lệch giờ làm để báo cáo với Chính phủ vẫn đang được bàn thảo.