Theo Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở PCCC TP.HCM, khu vực xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân với 79 vụ, địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là Q.1 với 18 vụ, nguyên nhân xảy ra cháy nhiều nhất là do vi phạm quy định và sự cố hệ thống điện. Ngoài ra, TP.HCM đã xảy ra 2 vụ nổ, làm chết 2 người và bị thương 5 người. Đồng thời, Cảnh sát PCCC TP đã nhận được 40 tin yêu cầu hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, kết quả cứu được 27 người, tìm được 12 thi thể nạn nhân.
Giám Đốc Sở PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết 3 tháng đầu năm, TP.HCM có 165 vụ cháy.
|
Cũng theo Đại tá Bửu, tuy số vụ cháy được kiềm chế và giảm hơn các cùng kỳ, nhưng độ tiềm ẩn và nguy cơ cháy vẫn còn rất cao. Trước tình hình trên, Sở PCCC TP đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC 14.499 lượt cơ sở, phát hiện 1.211 cơ sở vi phạm an toàn cháy nổ và phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác thẩm duyệt, kiểm tra thi công và kiểm tra nghiệm thu về PCCC công trình đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Lực lượng PCCC TP thường xuyên duy trì chế dộ thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ.
Để đảm bảo nước chữa cháy khi mùa khô diễn ra, Giám đốc Sở PCCC TP.HCM cho biết, hiện đã triển khai nắp đặt trụ nước chữa cháy tại nhiều tuyến giao thông, cũng như tại nhiều hẻm nhỏ ở các quận, huyện, phối hợp với Công ty Cấp nước Sài Gòn đảm bảo áp lực nước và ống nước đảm bảo tiêu chuẩn quy định để chữa cháy tại chỗ.
Về kế hoạch phòng cháy dịp 30/4, Sở đã có phương án phòng ngừa và phương án xử lý khi xảy ra sự cố với mục tiêu không thể để xảy ra cháy nổ, nếu xảy ra cháy sẽ xử lý ngay khi phát hiện. Tăng cường lực lượng phòng cháy chữa cháy tại các điểm vui chơi, lễ hội.