TP Hồ Chí Minh: 5 nhóm ngành cần hỗ trợ phục hồi sau đại dịch

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất động sản, công nghiệp xây dựng và 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, du lịch, thương mại là 5 nhóm ngành trụ cột được các chuyên gia đề xuất chính quyền tập trung hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, từ đó kéo theo hồi phục nền kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19
Sáng 16/10, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025.
PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trên địa bàn TP, trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng diễn ra ở tất cả các ngành, đạt 5,46%. Đây là mức tăng gấp ba lần so với 6 tháng đầu năm 2020. GRDP của 6 tháng đầu năm 2021 đạt 680.328 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
 Hội thảo sáng 16/10. Nguồn: TTBC
Cũng theo PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh, làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu. Tháng 7/2021 ghi nhận tổn thương nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ (chiếm lần lượt xấp xỉ 25% và 62% GRDP của TP). Tổng kim ngạch xuất khẩu tổn thất xấp xỉ 1 tỷ USD trong tháng 7 và 3,63 tỷ USD trong tháng 8/2021. Tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021. Nghiêm trọng nhất ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da. 
Xuất nhập khẩu giảm mạnh từng ngày. Chỉ sau 2 tuần đầu tháng 8, doanh số xuất khẩu đã giảm đến 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ còn bằng với 2/3 so với 2 tuần cuối tháng 7/2021.
Một vấn đề đáng lo khác cũng được đề cập trong công trình nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật, đó là tình trạng lao động mất việc. Trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021 đã có 338.730 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 665.946 lao động nghỉ không hưởng lương. Như vậy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là 1.046.676, chiếm 41,2% của 2.439.272 lao động tham gia BHXH.
Nhóm các nhà khoa học của Đại học Kinh tế - Luật đưa ra dự báo: “Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn”.
PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh cũng dẫn lại số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và của Bộ LĐTB&XH, theo đó, trong giai đoạn giãn cách chỉ có khoảng 1.790 doanh nghiệp trong số 288.333 doanh nghiệp với 3.240.000 lao động tại TP duy trì được hoạt động. Tại các KCN và KCX có 1.572 doanh nghiệp nhưng chỉ có 715 doanh nghiệp duy trì ở các mức độ hoạt động dưới 50% công suất với khoảng 65.000 lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 lao động. Giãn cách thời gian dài đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian. Nguyên liệu thiếu hụt và tăng giá cùng với sự gia tăng tiền lương, chi phí sản xuất để tuân thủ yêu cầu 5K và/hoặc phải ngưng hoạt động, hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Việt Nam có dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright, thuận lợi lớn nhất để Việt Nam chuẩn bị gói chính sách phục hồi kinh tế gắn với mở cửa thích ứng an toàn là lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Cùng với kiểm soát dịch Covid-19, ổn định vĩ mô là điều Nhà nước phải làm và có năng lực thực thi hiện nay. Việt Nam có dự địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2022, đặc biệt là ở phía tài khóa...
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng cần phải được hỗ trợ bởi sự song hành của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa.
Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào. Về chính sách tài khóa, kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022 - 2025).
“Nếu tiêm đủ vaccine trên cả nước vào trước Tết Nguyên đán 2022 thì tất cả các hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết và cũng bắt đầu luôn lộ trình mở cửa quốc tế. Khi có độ phủ vaccine cả hai liều trên 80% dân số, tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tỷ lệ tử vong được kiểm soát ở mức thấp thì chính sách cần theo hướng các hoạt động kinh tế sẽ không đóng lại. Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%” - ông Nguyễn Xuân Thành đưa ra dự báo.
5 trụ cột phục hồi kinh tế
TS Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng cần xác định những trụ cột và cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng. Cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân theo 2 mục tiêu.
Mục tiêu đầu tiên, trước mắt phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường.
Mục tiêu thứ 2, thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với Chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
"Trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 62% và khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 25%. Trong đó 4 ngành công nghiệp chủ lực chiếm khoảng 10%  (cơ khí; chế biến thực phẩm; điện tử - viễn thông và hóa chất) và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực chiếm khoảng 56% (thương mại; vận tải - kho bãi - cảng; kinh doanh bất động sản; tài chính - ngân hàng, bảo hiểm; khoa học - công nghệ; du lịch - khách sạn - nhà hàng; giáo dục; y tế và công nghệ thông tin - truyền thông)", ông Lịch nhận định.
Trên cơ sở đó, TS Trần Du Lịch đề xuất, xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng: Thứ nhất, 4 nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu; Thứ 2, ngành xây dựng; Thứ 3, kinh doanh bất động sản; Thứ 4, ngành du lịch: Lưu trú, lữ hành, vận chuyển và các dịch vụ có liên quan và thứ 5, thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu).
TS Trần Du Lịch gợi ý, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn dự án bất động sản đang gặp ách tắc, chỉ cần tháo gỡ được ách tắc về pháp luật, mọi việc doanh nghiệp tự làm.
TS Trần Du Lịch cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư công, nếu triển khai được các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, để 4 năm sau TP Hồ Chí Minh trở thành đại công trường. Đầu tư công vào hệ thống hạ tầng sẽ mang lại 2 mục tiêu, cải thiện hạ tầng của TP Hồ Chí Minh và kích thích đầu tư xã hội. Theo tính toán, một đồng vốn đầu tư công từ ngân sách, sẽ kéo theo gần 10 đồng vốn đầu tư từ xã hội...