6 nhóm đối tượng được hỗ trợ
TP sẽ hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là 80.000/người/ngày; Hỗ trợ cho người tham gia công tác phòng, chống dịch 120.000 đồng/người/ngày trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, bao gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh) gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức hỗ trợ, 1.800.000 đồng/người.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiêu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Mức hỗ trợ, 1.800.000 đồng/người.
Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hồ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ, 50.000 đồng/người/ngày.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động. Hộ kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng) phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP để kiểm soát dịch bệnh Covid-19… Mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/hộ, hỗ trợ 1 lần.
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: Thương nhân tại chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ); có mã số thuế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Mức hỗ trợ: Chợ hạng 1, 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; Chợ hạng 2, 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; Chợ hạng 3. 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng.
Người lao động phải làm gì để được hưởng hỗ trợ
Trả lời vấn đề báo chí quan tâm là thủ tục để hưởng hỗ trợ đối với lực lượng lao động, ông Nguyễn Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP cho biết, lần này khác lần trước, để được hưởng hỗ trợ (chỉ trừ đối tượng là lao động tự do) người lao động không cần phải làm gì, chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương sẽ lên danh sách thực hiện mọi thủ tục, chuyển danh sách cho cơ quan chức năng phê duyệt trong vòng 7 ngày, sau đó tiền hỗ trợ sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của người lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tấn, dự kiến có khoảng 230.000 người là lao động tự do sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, ước tính mỗi người sẽ nhận được khoảng 1,5 triệu đồng. Chính quyền địa phương sẽ đảm nhận giải quyết mọi thủ tục để người lao động tự do được nhận hỗ trợ.
Trả lời vấn đề vì sao đối tượng lao động tự do, hành nghề tài xế xe ôm không nằm trong nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan cho biết, xe ôm, có thể xếp vào nhóm lao động ở nhà như sửa xe, vá xe, quy định như vậy để không lẫn lộn với xe công nghệ. Địa phương xác định chính xác, TP sẽ chỉ đạo cho địa phương, để đảm bảo nhóm đối tượng xe ôm sẽ nhận được hỗ trợ.
Ông Võ Văn Hoan cũng khẳng định, việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được triển khai khẫn trương và hoàn thành trong tháng 8/2021.