Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh ban hành danh mục dữ liệu mở cho người dân

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Danh mục dữ liệu mở nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết liên quan đến các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, xã hội, kinh tế, tài chính, xây dựng, giao thông, đô thị và môi trường trên địa bàn…

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký Quyết định ban hành Danh mục dữ liệu mở của TP Hồ Chí Minh và được công bố trên Cổng thông tin dữ liệu TP Hồ Chí Minh, tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn để các cá nhân, tổ chức tự do khai thác, sử dụng.

Bắt đầu từ ngày 18/6/2024, mọi người dân có thể truy cập vào địa chỉ trên để khai thác, sử dụng dữ liệu.

Danh mục dữ liệu mở vừa được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành 
Danh mục dữ liệu mở vừa được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành 

Danh mục gồm 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề: giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, khoa học, kinh tế, lao động, nông nghiệp, tài chính, văn hóa – du lịch, xã hội, xây dựng, y tế, sức khỏe, tư pháp.

Lĩnh vực giáo dục, người dân có thể tra cứu dữ liệu về danh sách các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố như: danh sách khối mầm non, danh sách trường tiểu học, danh sách trường trung học cơ sở, danh sách trường trung học phổ thông...

Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, người dân có thể tra cứu danh sách văn phòng đại diện cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác tại TP Hồ Chí Minh, danh sách phóng viên thường trú hoạt động độc lập trên địa bàn Thành phố…

Đối với lĩnh vực y tế, dữ liệu về các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế, dữ liệu về giá thuốc được cấp phép lưu hành…

Lĩnh vực giao thông, dữ liệu vị trí các camera giám sát giao thông, dữ liệu các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn, dữ liệu các điểm trông giữ xe và giá dịch vụ trên địa bàn...

Với lĩnh vực kinh tế, dữ liệu về danh sách các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng trên địa bàn, dữ liệu về dự án đầu tư công, lĩnh vực văn hóa – du lịch, dữ liệu các khu, điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí trên địa bàn, dữ liệu các địa điểm du lịch lịch sử - văn hóa trên địa bàn, lĩnh vực xây dựng, dữ liệu các dự án nhà ở thương mại, và lĩnh vực tư pháp, dữ liệu về các tổ chức hành nghề luật sư…

Với việc công bố Danh mục dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Đồng thời, với danh mục này, sẽ cũng góp phần tăng cường sự minh bạch và tham gia của cộng đồng vào quá trình quản lý đô thị.

TP Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và cập nhật danh mục dữ liệu, nhằm cung cấp cho người dân và các tổ chức một nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh nhất.