Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Bao giờ mới hết ngập?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng ngập nước do triều cường xảy ra liên tiếp nhiều ngày qua, khiến việc giao thông đi lại trên nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, việc sinh hoạt, buôn bán của người dân ở nhiều nơi bị đảo lộn.

Vậy làm thế nào để công tác chống ngập tại TP đạt hiệu quả, bao giờ TP mới hết ngập là nổi niềm, là mong đợi chung của tất cả người dân TP.
Chống ngập rồi lại tái ngập
Tình cảnh ngập xảy ra liên tục nhiều ngày qua trên nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh do chịu tác động của triều cường.
TP Hồ Chí Minh là thành phố ven biển, có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Đặc biệt, TP nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn – Đồng Nai – Soài Rạp. Tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông này. Bởi, vào thời điểm triều cường dâng cao, nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cốt nền thấp hơn cả mực triều.
Vì thế mà trong những năm gần đây, TP đang phải căng mình chống ngập, triển khai hàng loạt công trình chống ngập như làm bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường… nhưng tình trạng ngập vẫn gia tăng sau mỗi cơn mưa, hoặc khi triều cường dâng cao. Thực tế cho thấy, sau nhiều nỗ lực của TP, chỗ nào ngập vẫn hoàn ngập. Chống ngập rồi lại tái ngập, thậm chí xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.
Điển hình như những ngày vừa qua (28/9, 29/9, 30/9, 1/10) tại TP Hồ Chí Minh hàng loạt tuyến đường chìm trong “biển nước” khi triều cường dâng cao. Các tuyến đường như Trần Xuân Soạn (quận 7), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Tôn Thất Thuyết (quận 4) ,Mễ Cốc (quận 8), Nguyễn Xí (Bình Thạnh) …ngập sâu. Có những đoạn thấp bị ngập từ 50-60cm, nước tràn qua cả yên xe máy. Một vài tuyến đường nước tràn vào nhà dân khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn.
Đặc biệt, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ để nâng cao nhưng vẫn ngập lênh láng, ghi nhận cho thấy không chỉ trời mưa mà ngay cả thời tiết nắng đẹp thì trên con đường này vẫn xảy ra tình trạng ngập nước ở một số điểm.
Chỉ riêng tối ngày 30/9, hàng trăm hộ dân ngụ hai bên đường Huỳnh Tấn Phát phải hì hục tát nước từ trong nhà ra ngoài, thậm chí có gia đình sử dụng đến 3 chiếc máy bơm nhưng vẫn không thể bơm kịp. Theo người dân, từ khi tuyến đường này được đầu tư nâng nền, nhà dân trở thành điểm chứa nước mỗi khi trời mưa, triều cường vì nền nhà thấp hơn mặt đường có nơi gần nửa mét.
 Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) là một trong những "rốn ngập" của TP.
Khi triều cường đạt 1,68m, mặt đường Huỳnh Tấn Phát ngập sâu từ 20-40cm, nhiều phương tiện qua đây chết máy. Nhiều gia đình phải kê cao tủ lạnh, máy giặt để hạn chế thiệt hại. Bà Nhàn (ngụ phường Tân Thuận, quận 7) cho biết: “Con đường này đã được nâng lên nhưng cứ triều cường là nước lại ngập đường rồi tràn vào nhà. Nước ngập như vậy chúng tôi khổ lắm, không làm ăn được gì cả", bà Nhàn nói.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Văn, kĩ sư xây dựng tại TP nhận định, để công công tác chống ngập hiệu quả thì việc chống ngập cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và phát sinh mới, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài. Nghĩa là phải có nhạc trưởng quy hoạch đồng bộ, phải thể hiện được bức tranh về công tác chống ngập trước mắt và lâu dài.
Giải pháp chống ngập được TP đã được triển khai mạnh trong thời gian gần đây như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước… Đặc biệt, mới đây TP đã triển khai xây dựng hệ thống máy bơm chống ngập thông minh.
“Trước đây một thời gian dài công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị của TP mắc phải một số hạn chế như khu vực phía Nam TP là nơi có nền đất yếu và thấp nhưng lại được đầu tư phát triển đô thị, kênh rạch bị lấp hàng loạt, hàng nghìn ha diện tích chứa nước bị biến mất, ruộng vùng ven biến thành đô thị... khiến thành phố bị ngập lụt khi triều cường, khi mưa nhiều. Rõ ràng, chương trình chống ngập nước TP, hệ thống bơm chống ngập đã cơ bản mang lại hiệu quả giảm ngập nhưng trong quá trình vận hành lại xảy ra nhiều vấn đề như rác thải làm chặn miệng cống; đường cống lớn chảy tuần hoàn làm vô hiệu hóa hệ thống bơm thông minh”, ông Văn phân tích.
Cũng theo ông Văn, việc sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt chỉ hiệu quả trong hoàn cảnh cụ thể ở một số khu vực. Về chiến lược dài hạn, chỉ có thể xây dựng công trình đê biển tại cửa hệ thống sông Sài Gòn – Soài Rạp mới có thể cứu được TP khỏi ngập. 
Phấn đấu 10 năm tới, hết ngập ở nội thành
 Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng liên tục trễ hẹn khiến Lãnh đạo TP cũng “sốt ruột”.
Bên lề hội nghị giao ban thường trực Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh với các quận, huyện (ngày 1/10) vừa qua, Bí thư Thành uỷ TP Nguyễn Thiện Nhân, cho hay: Triều cường có xu hướng ngày càng dâng cao. Lãnh đạo thành phố rất xót xa khi bà con mình bị đảo lộn cuộc sống, mưu sinh nhưng tình trạng này đã được dự báo trước. Các giải pháp chống ngập ngắn hạn không thể giải quyết. Chỉ còn chờ các giải pháp trung hạn, dài hạn như dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) mới giải quyết được.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong số 6 cống kiểm soát triều nhà đầu tư đang xây dựng thì còn 2 cống đều tập trung ở huyện Nhà Bè chưa bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. “6 quận, huyện cam kết với thành phố bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6. Hiện nay, 5 quận đã hoàn thành, chỉ còn huyện Nhà Bè. Cần cố gắng bàn giao mặt bằng thi công để công trình sớm hoàn thành, đưa vào vận hành chống ngập. TP phấn đấu trong 10 năm tới phải xóa ngập trong nội thành”, ông Nhân cho biết.
Nhắc tới hiện tượng ngập do triều những ngày qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã nhìn nhận trước được vấn đề. Dự án chống ngập sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản được hiện trạng trên.
"Thành phố có đặc điểm là ngoài ngập do mưa còn ngập do triều. Nhìn nhận được vấn đề trên, TP đã đưa dự án chống ngập vào danh sách các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này", người đứng đầu Thành ủy TP nói.
Cũng liên quan đến vấn đề chống ngập của TP, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, sau những ngày đỉnh triều lên cao, lãnh đạo UBND TP cũng cảm thấy sốt ruột với tiến độ dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, đặc biệt hạng mục ngăn triều của dự án.
"Sau khi hoàn thành, các cống ngăn triều sẽ phối hợp cùng các hồ điều hòa giúp cải thiện vấn đề ngập lụt của TP", ông Hoan nhận định.
Ông Hoan cũng thông tin thêm về việc TP đang hoàn thiện những khâu cuối cùng nhằm điều chỉnh phụ lục các hạng mục dự án để trình ngân hàng nhà nước, kéo dài thời gian tái cấp vốn. Dự kiến tháng 6 năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
“Sau khi hoàn thiện điều chỉnh các hạng mục nội bộ bên trong, TP mới đủ cơ sở để xin gia hạn thời gian tái cấp vốn. Dù có điều chỉnh các hạng mục nhưng tổng mức đầu tư của dự án sẽ không thay đổi”, ông Hoan chia sẻ.
Năm 2050, đất cao dưới 1 m ở TP Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập vĩnh viễn
Theo Nghiên cứu TP thích nghi với biến đổi khí hậu (2010) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo đến năm 2050, trong tình huống ngập thường xuyên (ảnh hưởng của thủy triều và mưa gió mùa): Chỉ những diện tích cao hơn 3 m sẽ không bị ngập; đất ở mức 1-3 m bị ngập khi biên độ dao động thủy triều lớn; đất cao dưới 1 m có nguy cơ bị ngập vĩnh viễn. Trong những sự kiện ngập cực đoan (ngập xảy ra trong bão nhiệt đới), chỉ có những diện tích cao hơn 4,5 m không bị ngập.
Với mực nước biển dâng khoảng 26 cm đến 1 m vào năm 2050, diện tích địa lý của vùng ngập dự báo ở TP sẽ tăng 3% với ngập cực đoan và 7% với ngập thường xuyên so với tình trạng ngập năm 2010. Độ sâu ngập tối đa trung bình được dự báo sẽ tăng gần 40% với ngập cực đoan và 21% với ngập thường xuyên. Thời gian ngập cực đoan tăng 12% và ngập thường xuyên tăng 22%.