Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Bỏ quy định tách thửa với từng loại đất để chặn phân lô bán nền trái phép

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất nhằm hạn chế tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Cụ thể, HoREA mới có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, không để bị lợi dụng nhằm thực hiện phân lô bán nền tràn lan, trái pháp luật.
Quy định cho tách thửa đối với từng loại đất đã bị lợi dụng để phân lô bán nền 
Theo đó, HoREA cho rằng dù Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải đất ở, song trước năm 2019 đã có địa phương cho phép tách thửa đất nông nghiệp.
"Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan diễn ra liên tiếp tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian gần đây là do việc các cơ quan quản lý cho phép tách thửa đối với từng loại đất", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA lý giải.
Nguyên nhân là tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã bổ sung Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại quy định: "UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương".
HoREA phân tích, quy định này đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất (đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp...) từ đó dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp lợi dụng tách thửa tràn lan, biến tướng, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.
Chính vì vậy hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này vì không phù hợp với Luật Đất đai, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng phân lô, tách thửa tràn làn, khó kiểm soát.
Thực tế, trong những năm gần đây việc tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan cũng đã dẫn đến các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất, bán đất nền.
Nhiều người dân bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn sau cơn sốt đất, gây mất an ninh trật tự, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.
Gần đây nhất, thị trường bất động sản đã được phen náo loạn vì những thông tin dự án ma, cơn sốt đất ảo tại các xã Bình Ba, Nghĩa Thành và Đá Bạc (Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Giá đất bị đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, tìm hiểu sau đó thì đa số những người này đều là đầu nậu, cò dùng chiêu thổi giá để lướt sóng.
Việc giá đất tăng nóng chủ yếu do cò đất, giới đầu cơ thao túng làm giá, tự làm giấy mua bán đặt cọc với nhau nhằm thao túng thị trường.
HoREA kiến nghị, xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.