TP Hồ Chí Minh bổ sung đối tượng được phép lưu thông trong thời gian siết giãn cách xã hội

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế; người dân đi tiêm vaccine; nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm)… là các nhóm đối tượng vừa được UBND TP Hồ Chí Minh ưu tiên, không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt kiểm soát dịch.

Ngày 23/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn về việc điều chỉnh, bổ sung một số nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, các nhóm đối tượng được phép ra đường trong thời gian giãn cách vẫn áp dụng như đã được công bố từ trước. TP chỉ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được ưu tiên, không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt.
Lực lượng chức năng kiểm tra Giấy đi đường của người dân tại chốt kiểm tra cầu Sài Gòn 2 vào sáng nay 23/8. Ảnh: Ngọc Huân.
Cụ thể gồm: Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế cấp.
Nhóm đối tượng thứ hai là người đi tiêm vaccine, có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm, kèm theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát.
Và nhóm đối tượng thứ ba là nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP cấp.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được ra đường (nhưng phải có giấy đi đường do cơ quan chức năng cấp).
Thứ nhất là trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP tổng hợp danh sách, báo số lượng về Công an TP (mã 1A).
Thứ hai là nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các doanh nghiệp đang sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp sẽ tổng hợp danh sách này, báo số lượng về Công an TP (mã 12).
Với các phương tiện vận tải hàng hóa (gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR Code, lực lượng chức năng không kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Công an TP là đơn vị được giao in và ký cấp giấy, hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký. Các đơn vị nêu trên phải cung cấp số lượng và danh sách về Công an TP trước 21 giờ ngày 23/8.
Khi chưa có giấy đi đường nêu trên, đến 0 giờ ngày 25/8, Công an TP vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại các công văn trước đó.
Trước đó, chiều 23/8, tại cuộc họp báo về tình hình Covid-19, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh - kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh trước thông tin số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày sắp tới. Trong trường hợp phát hiện bản thân hay gia đình có người là F0, hãy liên hệ với các trạm y tế lưu động hoặc các tổ phản ứng nhanh tại phường, xã.
Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP cho hay, thành quả của tăng cường giãn cách xã hội trong ngày hôm nay là giảm được 85% lượng xe lưu thông trên đường, nhất là xe máy.
Hiện, trung tâm an sinh TP cho biết, đã vận động được trên 1.861.000 túi an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…Từ đây đến ngày 6/9 dự kiến sẽ chuyển 1.360.000 phần quà về TP Thủ Đức và quận, huyện để trao quà đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh bắt đầu siết chặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Trong cuộc họp sáng 23/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước đây TP chưa kiểm soát được dịch tốt nên phải tăng cường. Nhiều việc trước kia không phải không thống nhất, mà không đủ lực lượng để làm. Hiện, TP có lực lượng thì cần triển khai ngay, nếu thiếu sẽ xin thêm...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần