TP Hồ Chí Minh: “Bùng nổ” dịch vụ mua hàng online mùa dịch Covid-19

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo lắng dịch bệnh lây lan khi đến những nơi đông người, nhất là việc đi lại chợ búa, mua sắm. Do đó, việc đi chợ online được nhiều người TP Hồ Chí Minh xem là giải pháp “cứu cánh” hữu hiệu, an toàn trong mùa dịch Covid-19.

 Nguồn hàng phong phú, song lượng khách đến siêu thị giảm mạnh
Giảm tần suất đi chợ, siêu thị
Theo ghi nhận, tình trạng đìu hiu, vắng khách không chỉ diễn tại các chợ dân sinh, mà ngay cả các siêu thị lớn, các trung tâm mua sắm cũng đang trong tình trạng tương tự.
“TP đang bước vào giao đoạn quan trọng để chống dịch Covid-19, gia đình tôi hiểu điều này, chúng tôi nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền TP, của Bộ Y tế. Gần 1 tuần nay, việc mua sắm từ vật dụng gia đình, quần áo, giày dép cho đến đồ ăn, thức uống…tôi đều chọn chuyển sang hình thức online, giao hàng tận nơi. Điều này trước hết là an toàn cho mình, sau là cho cộng đồng”, chị Mai Trinh (quận 12) chia sẻ.
Thay vì giữ thói quen đi chợ mỗi ngày, đi siêu thị một lần/tuần, chị Kim Thư (quận 3) cho biết, từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, được khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người, chị đã chủ động từ bỏ thói quen cũ, tập thích ứng với việc mua hàng online.
“Nếu nói là hoàn toàn không đi chợ, hay siêu thị thì không đúng, chỉ là hạn chế lại thôi. Thay vì đi siêu thì buổi tối sẽ rất đông, tôi chọn đi buổi trưa, ghi hết tất cả những thứ cần mua trên một mảnh giấy, rồi ghé mua thật nhanh xong về ngay”, chị Kim Thư nói.
Sáng nay (28/3), trò chuyện với PV, chị Nhàn (thương lái bán thịt heo tại chợ Cây Gõ, quận 6) cho biết, nếu như trước đây khách đến tận chợ mua thịt, thì nay họ gọi điện thoại đặt mua, chị Nhàn và chồng chị thay phiên nhau đi giao cho khách.
“Từ lúc TP kêu gọi mọi người hạn chế ra đường, chợ vắng hẳn. Nếu như trước đây vào mỗi sáng người đông nghịt người thì nay rất thưa thớt. Biết thế nào cũng xảy ra tình trạng này, nên nhiều ngày trước khách quen đến mua hàng tôi đều cho cho họ số điện thoại, giờ họ cần mua gì gọi điện mình đi giao. Như vậy, mình vẫn bán được hàng, mà vẫn thực hiện đúng quy định của TP”, chị Nhàn nói.
 Nhiều cửa hàng bán gạo truyền thống đã chuyển sang hình thức bán online để không bị mất khách
Cùng cảnh ngộ, tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) nhiều tiểu thương cũng than vắng khách, trong khi một số vẫn tiếp tục bán, một số khác chọn đóng cửa chờ qua mùa dịch.
“Lượng khách ghé chợ giảm hơn cả nữa, nhưng thật tình sức mua không hề giảm. Vì khách có hiện tượng tích trữ hàng, họ mua nhiều lắm, mua một lần chắc ăn cả tháng”, anh Thành (tiểu thương bán gạo ở chợ Phạm Văn Hai) cho biết.
Cũng theo anh Thành, không riêng gì chợ Phạm Văn Hai, tình trạng vắng khách đang diễn ra ở hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn TP.
“Tôi nghĩ đây cũng là chuyện tốt, mọi người ý thức tốt thì dịch bệnh mới nhanh qua, chuyện mua bán thì không sao, không bán lúc này, bán lúc khác. Quan trọng nhất là TP hết dịch, cả nước hết dịch, nhà nhà người người được bình an”, anh Thành bày tỏ.
Trong trưa nay (28/3), theo ghi nhận của PV, tại nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP cũng đang trong tình trạng vắng khách. Lý giải nguyên nhân người tiêu dùng ngại đến siêu thị mua sắm, nhân viên siêu Co.opMart (Hậu Giang, quận 6) cho biết, hiện nay phần lớn người tiêu dùng mua hàng trên internet hoặc đã dự trữ từ trước, do đó tình trạng chung của hầu hết các siêu thị là vắng khách.
"Bớt ra ngoài là bớt lo, muốn ăn gì, mua gì cứ lên mạng đặt hàng hay alo một phát là có người của cửa hàng, siêu thị giao hàng tới tận cửa ", nhân viên này nói.
Thực phẩm online “lên ngôi”
Theo đại diện hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng đột biến, gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Các sản phẩm thiết yếu như khẩu trang y tế, gel rửa tay, nước rửa tay, mì gạo, sữa tươi, nước giải khát, nước tinh khiết, nước giặt, kem đánh răng… là các mặt hàng đang được khách hàng ưu tiên chọn lựa.
 Những thực phẩm bán online như giò bò, gạo... thu hút người tiêu dùng
Trước xu hướng này, Saigon Co.op tiến hành đẩy mạnh dịch vụ mua sắm trực tuyến, tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn hàng cũng như nhân sự giao hàng để đảm bảo thời gian giao hàng tận nhà từ 1 đến 2 tiếng đối với đơn hàng đặt mua hộ qua điện thoại và từ 24 - 48 tiếng đối với đơn hàng mua trên trang mua sắm điện tử.
Trong khi đó, nhiều chủ của các cửa hàng thực phẩm online cũng cho biết đông khách gấp 2 - 4 lần so với trước đó do nhiều người ngại tụ tập đông người.
“Tôi bán online đã được 5 năm, nhưng chưa khi nào bán chạy như thời điểm này, ba tuần nay luôn phải nhập hàng tăng gấp đôi so với ngày thường vì khách đặt mua nhiều. Trong đó, đắt khách nhất là các loại giò chả, gạo”, chị Phụng (quận 8) chia sẻ.
Cũng theo chị Phụng, nếu như trước đây khách đặt nhiều nhất chỉ từ 20 - 50kg gạo thì nay có nhà mua đến cả trăm kg. Giò, chả cũng được mua 2 - 3kg một lúc. Còn thịt heo vận chuyển từ quê vào đắt khách hơn hẳn so với thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Tương tự, anh Sơn (Gò Vấp) cũng nói, trước kia mỗi lần bán một con heo phải rao cả tuần mới đủ đơn, nay chỉ cần 1 - 2 ngày là hết. Đặc biệt, các loại chả, lạp xưởng lúc trước chỉ đắt hàng dịp tết thì nay khách cũng đặt nhiều.
Các đơn hàng cam bán online cũng đắt khách hơn trước do đây là những mặt hàng được khách mua nhiều để giúp tăng đề kháng cho cơ thể. 
Nắm bắt được tâm lý mua online gia tăng, nhiều cửa hàng sỉ, lẻ ở TP đã nhanh chóng "nhảy" vào kênh này thay vì chỉ bán truyền thống.
Là người kinh doanh nhiều năm ở cả hai lĩnh vực là bán truyền thống và bán online, chị Nhã Uyên (Bình Thạnh) nhận thấy, lượng đặt hàng online tăng mạnh, trong đó, cá hộp có lượng bán ra tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đó.
"Khoảng 100 thùng cá hộp vừa về hàng đã được khách online đặt hết. Hiện mỗi người đặt mua một lần cả thùng thay vì chỉ vài hộp như trước", chị Uyên nói.
Cũng theo chị Uyên, có thể khách sợ dịch bệnh tăng giá nên họ đặt mua số lượng lớn và đề nghị giao tận nơi. Ngoài mì gói thì các loại xúc xích, đồ hộp, cá hộp, sữa chua, khăn giấy, sữa tươi... cũng đắt khách.
3 kịch bản cung cấp thực phẩm cho người dân TP Hồ Chí Minh
Để ứng phó kịp thời với tình hình dịch Covid-19, theo kế hoạch của Sở Công Thương, người dân TP được cung cấp nguồn hàng vượt 30 - 100% so với ngày thường nếu TP có 100 - 300 người mắc Covid-19.
Ở tình huống một, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, TP có dưới 100 người mắc Covid-19. Sở Công Thương dự báo, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày chuyển sang tập trung những ngày cuối tuần. Thị trường xuất hiện việc thu gom, tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch gây khan hiếm ở một số thời điểm.
Sở Công Thương bám sát diễn biến thị trường, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn, đảm bảo cung ứng hàng hoá đầy đủ. Cục Quản lý thị trường TP và chính quyền các quận huyện sẽ kiểm tra để không phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường phải chuẩn bị hàng hóa vượt 30 - 40% so với ngày thường, cung ứng kịp đến điểm bán bình ổn. Các đơn vị này cũng được yêu cầu chuẩn bị nguyên vật liệu, có thể cung ứng nguồn hàng lên 50 - 100% trong trường hợp phức tạp hơn.
Ở tình huống xấu nhất - dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ngành Công Thương sẽ trình TP chính sách huy động và phân phối hàng theo cơ chế đặc thù. Việc xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và mặt hàng phòng dịch bị hạn chế.
So với ngày thường, trong giai đoạn ứng phó phòng chống Covid-19, lượng hàng bình ổn tại TP chiếm 35 - 50% nhu cầu thị trường: Lương thực hơn 3.800 tấn mỗi tháng; trứng gia cầm gần 72 triệu quả; đường hơn 2.000 tấn; thịt gia súc 6.200 tấn, thịt gia cầm 8.700 tấn...