TP Hồ Chí Minh: Cần hơn 8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đây đến cuối năm 2021, TP Hồ Chí Minh cần hơn 8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 các loại để có thể hoàn thành mục tiêu phủ kín vaccine cho toàn dân.

Cần hơn 8 triệu liều để phủ vaccine đến cuối năm 2021
Chiều 31/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin vê kế hoạch tiêm vaccine, công tác điều trị cho 59.000 F0 đang cách ly tại nhà...
Theo ông Phạm Đức Hải - Phó Ban kiêm Người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, ngày 28/8 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch 2917/KH-BCĐ về tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại TP.
Chích vaccine tập trung cho người dân phường 19, quận Bình Thạnh
Kế hoạch đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP là 7.208.800 người. Đối tượng tiêm vaccine là toàn bộ người dân trên địa bàn, trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine, trong đó tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng sau: Người cao tuổi, người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên và bà mẹ đang cho con bú, lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm), lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông…).
Về lộ trình tiêm vaccine trong giai đoạn sắp tới, TP chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ ngày 29/8 đến ngày 15/9/2021), tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, để đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người, bao gồm:
 + 733.000 người cần tiêm bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer;
 + 485.000 người cần tiêm bằng vaccine Moderna;
 + 31.000 người của tiềm bằng vaccine Pfizer;
 + 840.000 người cần tiêm bằng vaccine Vero Cell (tổ chức tiêm tập trung trong thời gian từ ngày 06/9 đến ngày 10/9/2021).
Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 2.769.000 liều
Giai đoạn 2 (từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021)
- Bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người)
- Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine (khoảng 656.900 người), bao gồm:
+ 500.000 người cần tiêm bằng vaccine Astra Zeneca hoặc Pfizer;
+ 18.200 người cần tiêm bằng vaccine Modera;
+ 700 người cần tiêm bằng vaccine Pfizer.
+ 138.000 người cần tiêm bằng vaccine Vero Cell.
Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 1.376.900 liều.
Giai đoạn 3 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2021)
Tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine Astra Zeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4 (từ ngày 16/10 đến ngày 31/12/2021)
Tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29/8 đến ngày 30/9). Tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng từ ngày 29/8 đến ngày 31/12/2021 là khoảng 8.145.900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều).
Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh 5 nguyên tắc liên quan đến việc tiêm vaccine: Thứ nhất, vaccine do Bộ Y tế phân bổ, TP Hồ Chí Minh không trả lời chính xác thời điểm nhận vaccine; thứ hai, lần 1 tiêm vaccine gì, lần 2 sẽ tiêm vaccine tương thích; thứ ba, vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất; thứ tư, vận động bà con đi tiêm, có thể tiêm tại chỗ, có thể mời bà con tới điểm tiêm; thứ 5, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng Chỉ thị 16, nhưng cũng không thể bỏ ngay giãn cách xã hội khi không đủ điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng là tiêm vaccine.
Phát hiện 30 trường hợp F0 qua quét mã QR
Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tương đối ổn định trong những ngày qua, không có tăng giảm đột biến và không có hiện tượng ùn tắc tại các chốt kiểm tra. Trong thời gian qua nhờ quét mã QR tại các chốt, đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển qua các chốt. Phát hiện 2 vụ làm giả giấy đi đường, công an đang làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Một vấn đề được báo chí quan tâm đó là trong quá trình kiểm tra mã QR tại các chốt kiểm tra, có sự tiếp xúc gần giữa người làm nhiệm vụ và người đi đường, liệu có an toàn?
Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, công an làm nhiệm vụ ở tuyến đầu đều đã được tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính. Nguy cơ công an lây sang người khác thì ít, nhưng cán bộ chiến sĩ cầm điện thoại quét thì chứa đựng nguy cơ, Công an TP sẽ rút kinh nghiệm có cách làm phù hợp.
4,2% bệnh nhân Covid-19  tử vong
Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm bậc nhất là công tác hỗ trợ cho các ca F0 điều trị tại nhà.
Đại diện Sở Y tế cho biết, hiện nay toàn TP có 59.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà. F0 cách ly tại nhà là nhóm không có bệnh nền và không có nguy cơ cao. TP đã cấp 64.000 túi thuốc cho F0 tại nhà. Do được theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến, chỉ có 0,4% F0 chăm sóc tại nhà chuyển lên tuyến trên để được điều trị.
Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm đó là tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị tử vong, theo đại diện Sở Y tế, thống kê cộng dồn, đến nay tỷ lệ từ vong là 4,2%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ tử vong dao động 2,1 - 4,5%, tỳ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP đang nằm trong giới hạn cao của khung này. TP đang nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong. Để giảm được tử vong, trước hết giảm được số ca mắc mới, giảm áp lực cho các tầng điều trị sẽ có hy vọng giảm ca tử vong.
Đội ngũ shipper làm giảm áp lực cho địa phương
Liên quan đến trách nhiệm của Sở Công thương, báo chí đã đặt ra rất nhiều vấn đề về phạm vi hoạt động của lực lượng shipper, shipper có được phép đi chợ thay cho người dân…?
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, nên phải thực hiện phương thức đi chợ hộ giúp dân. Thời gian qua, TP triển khai rất tốt công việc này, tuy nhiên cũng có những địa bàn gặp trục trặc. Riêng đội ngũ shipper, hoạt động rất chuyên nghiệp trong vận chuyển và phân phối hàng hóa, nếu để cho họ đi chợ thay sẽ giảm áp lực cho đội ngũ hiện nay.
Tuy nhiên, việc đi chợ thay cho dân hiện nay do địa phương tổ chức với các phương thức phù hợp. Địa phương nào làm tốt, họ không cần thêm lực lượng hỗ trợ, địa phương nào lực lượng mỏng, có thể cần thêm đội ngũ hỗ trợ. Sở Công Thương đã kết nối đội ngũ shipper cho các hệ thống phân phối hàng hóa.
Tại các vùng xanh, nếu để cho shipper đi mua hàng cho người dân thì quá tốt. Nhưng, shipper có được đưa hàng hóa đến tận nhà người dân hay không thì do địa phương quyết định.