Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Cấp gần 4,2 triệu căn cước gắn chíp điện tử cho người dân

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP cho biết, trong hơn 4,1 triệu người được cấp CCCD, có hơn 2,7 triệu nhân khẩu thường trú và 1,4 triệu nhân khẩu tạm trú.

 Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp cung cấp thông tin.
Chiều 18/3, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về công tác triển khai thực hiện “Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD”. Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP chủ trì buổi họp.
Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 30/4, hoàn thành việc cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử cho 4.194.653 người trong diện cấp CCCD. Qua việc cấp CCCD, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng công an, giúp người dân giảm thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Tại buổi họp, Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP cho biết, trong hơn 4,1 triệu người được cấp CCCD, có hơn 2,7 triệu nhân khẩu thường trú và 1,4 triệu nhân khẩu tạm trú.
Về diện được cấp CCCD trong thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 1/7 là người từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD, đang sử dụng CMND 9 số. Người đã có CCCD, CMND 12 số nhưng hết hạn sử dụng hoặc mất, có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần phải cấp lại thẻ CCCD. Trước mắt cấp cho người có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành sẽ cấp cho người tạm trú (thời gian thông báo sau). Khuyến khích người tạm trú có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành giáp ranh, gần địa bàn TP Hồ Chí Minh trở về nơi đăng ký thường trú để làm CCCD.
Đối với thời gian cấp phát các điểm cấp CCCD, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ bố trí cán bộ, chiến sĩ luân phiên liên tục cấp phát từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày Lễ). Ngoài ra, tùy đặc thù địa bàn, các đơn vị sẽ chủ động linh hoạt thời gian có thể từ 6 giờ sáng đến 23 hoặc 24 giờ khuya để đảm bảo phục vụ công dân. Tại Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện bố trí ít nhất 2 điểm lưu động tổ chức cấp CCCD cho công dân trên địa bàn.
Cũng theo Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, thẻ CCCD gắn chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với thẻ CCCD dùng mã vạch, như: Thiết kế đạt tiêu chuẩn ICAO quốc tế, có độ bền, bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, có hệ điều hành ứng dụng bảo đảm cho việc tích hợp, chia sẻ khai thác dữ liệu, có thể tích hợp hơn 30 loại giấy tờ khác nhau (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, mã số thuế…) phục vụ cho người dân giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội mà không phải cần mang nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
 Xe ô tô được sử dụng để lưu động cấp thẻ CCCD cho người dân.
Trên thẻ CCCD được gắn chíp điện tử và kết hợp mã QR code, dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Người dân có thể sử dụng thiết bị quét mã QR code để kiểm tra thông tin nhân thân, số CMND 9 số của người dân trên thẻ CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho trong việc thực hiện các giao dịch (thông tin trong mã QR code đã được Bộ Công an xác thực).
Đặc biệt, chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của người dân. Việc tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Khi người dân mất thẻ hoàn toàn không bị lộ lọt thông tin cá nhân.
“Đến thời điểm hiện tại, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 212.510 hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp (đạt tỷ lệ 5,1%), và đã hoàn thành 41.288 thẻ CCCD gắn chip để trả cho công dân”, Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang cho biết.