Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành vào đầu năm 2021

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là khẳng định của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tại phiên chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh.

Lấp rạch đã 3 năm vẫn không trả lại hiện trạng!
Chiều 13/7, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021), các đại biểu thảo luận, thông qua nghị quyết các tờ trình của HĐND và UBND TP; thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019; thông qua nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn.
 Tuyến “buýt đường sông” tại TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2017, góp phần giảm tải cho giao thông trên bộ.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với Giám đốc Sở GTVT TP. Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, chất vấn việc cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là trước là Sở GTVT cho phép các chủ đầu tư dự án được tạm san lấp kênh, rạch để thực hiện dự án. Việc lấp kênh, rạch đã làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước. Cụ thể rạch Ụ Lò tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) bị chủ đầu tư san lấp, người dân phản ánh đã 3 năm nhưng đến nay chưa tái lập lại hiện trạng ban đầu.
“Sở GTVT có đánh giá việc cho lấp rạch ảnh hưởng đến thoát nước? Trách nhiệm của Sở GTVT ra sao? Nếu chủ đầu tư không tái lập hiện trạng ban đầu thì xử lý như thế nào”, đại biểu Mỹ Ngọc chất vấn.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, cho rằng TP có 2 tuyến giao thông thủy khá lớn (sông Sài Gòn và Đồng Nai) và hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Đây là lợi thế để phát triển giao thông thủy, nhưng số người sử dụng phương tiện công cộng đường thủy rất hạn chế, chỉ đạt dưới 1 triệu hành khách. Vì vậy Sở GTVT có biện pháp gì để kết nối với vùng Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận nhằm giảm bớt gánh nặng giao thông đường bộ? TP cũng đã có chủ trương phát triển du lịch đường thủy từ lâu, nhưng đến nay Sở GTVT đã có đánh giá ra sao trong việc đồng bộ quy hoạch các công trình phục vụ phát triển du lịch đường đường thủy?
Tuyến giao thông “buýt đường sông”
TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông, rạch, kênh dài khoảng 952 km, đây là lợi thế không những về giao thông thủy mà còn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường thủy.
Từ tháng 10/2017, tuyến “buýt đường sông” được UBND TP cho phép đưa vào hoạt động. Lộ trình của toàn tuyến dài gần 11 km, bắt đầu từ Bến Bạch Đằng (quận 1) và kết thúc tại Bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức). Toàn tuyến có 12 bến đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức.
Tuyến “buýt đường sông” có 5 tàu với sức chở 80 hành khách/tàu, hoạt động từ 6h30 phút sáng đến 19h30 phút tối. Hành trình mỗi chuyến khoảng 30 phút, thời gian đón, trả khách mỗi tàu tại các bến khoảng 5 phút.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung, cho rằng bên cạnh việc phát triển giao thông đường thủy, cần mở thêm dịch vụ du lịch trên sông nối với huyện Bình Chánh và các huyện ngoại thành. Cụ thể tuyến đường thủy trên kênh Tàu Hũ (nằm ven theo đại lộ Võ Văn Kiệt - PV) đi về huyện Bình Chánh và một số tuyến khác.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thanh Thúy và Kim Dung, ông Trần Quang Lâm cho rằng hành khách sử dụng phương tiện giao thông đường thủy tăng 10% và hàng hóa qua các bến, cảng cũng tăng. Lãnh đạo TP luôn chủ động quy hoạch các bến cảng nhằm phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tài cho giao thông đường bộ.
Nhiều công trình trọng điểm sẽ hoàn thành vào năm 2021
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, chất vấn về tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của TP, như: nút giao thông vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ khi nào xong? Việc cải tạo giai đoạn 2 đường Huỳnh Tấn Phát (từ cầu Phú Xuân về phà Bình Khánh), giảm ngập trên tuyến đường này, việc mở rộng cầu Phú Xuân như thế nào? Tiến độ xây cầu Thủ Thiêm 2? Sở GTVT có giải pháp nào sớm đưa cầu vào hoạt động?
 Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021. Ảnh: zing.vn
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho rằng ngành giao thông TP trong chương trình đột phá đã đặt ra 172 dự án với tổng nguồn lực là 393.000 tỷ đồng. Hiện đã được giải ngân, bố trí gồm vốn ngân sách, vốn ODA…, đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, đã hoàn tất 45 dự án. Đến năm 2020, sẽ hoàn thành thêm 22 dự án; giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành thêm 41 dự án.
“Những dự án do UBND và HĐND TP ưu tiên bố trí vốn luôn được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như công trình nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Thọ là nút thắt kìm hãm sự phát triển của cảng biển khu vực đó. Hiện dự án đã được duyệt và đang duyệt thiết kế, đấu thầu. Cuối năm 2019 sẽ khởi công và hoàn thành vào quý I/2021. Đối với dường Huỳnh Tấn Phát là đường lớn, đã làm được một đoạn từ cầu Phú Xuân về đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đoạn từ cầu Phú Xuân về phà Bình Khánh đã duyệt dự án và thiết kế, chủ đầu tư đang tổ chức đầu thầu, phấn đấu chậm nhất tháng 12/2019 khởi công”, ông Lâm trả lời.
Đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2, theo ông Lâm đây là công trình kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm TP. Cầu Thủ Thiêm 2 được đầu tư theo hình thức BT. Thi công từ năm 2015, đến nay đạt 18% khối lượng, nguyên nhân do vướng mặt bằng phía quận 1. Hiện nhà đầu tư đang tích cực tập trung nguồn lực để thi công. Đây là cầu dây văng, khi hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn rất đẹp không chỉ về giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc. Hiện cầu dẫn, các trụ cầu phía quận 2 đang triển khai, phía quận 1 đang bắt đầu làm. Nếu thuận lợi, khoảng quý II/2020 sẽ hợp long phần cầu chính. Dự kiến vào quý I/2021 cầu xây xong.
Về dự án cầu Phú Xuân, cũng được ông Lâm thông tin trước đây có dự án cầu Phú Xuân 2B kết nối song song, kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Xét về tính cấp bách, ưu tiên, cầu này sẽ triển khai sau năm 2020.
Ứng dụng khoan ngầm để hạn chế ảnh hưởng mặt đường
Tại buổi chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TP thừa nhận tình trạng tái lập mặt đường sau khi đào chưa tốt. Tới đây ngành GTVT sẽ tăng cường ứng dụng khoan ngầm nhằm hạn chế ảnh hưởng đến mặt đường. Trong năm 2019, có 25 công trình áp dụng khoan ngầm khi thi công. Đối với việc đặt các vật nhằm hạn chế xe máy lưu thông trên lề đường, phải được cơ quan quản lý cho phép và phải đặt bảng cảnh báo.