Một hộ dân giăng tấm bạt nhựa và đưa cả giường, cùng vật dụng sinh hoạt ra vỉa hè để ăn uống, ngủ nghỉ. Vậy nơi này có được gọi là nơi ở? |
Trả lời một số cơ quan báo chí, ông Võ Thanh Sang - Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho rằng, để xác định tình trạng người có nhà ở hoặc không có nhà ở, Cục Thống kê dựa vào tiêu chí của Bộ Xây dựng làm việc với Tổng cục Thống kê. Theo đó, nhà ở được định nghĩa là công trình xây dựng có 3 bộ phận: Sàn, mái, tường và dùng để ở; nó có thể là 1 khu nhà, ngôi nhà, căn hộ, phòng ở.
“Đối với nhà bè trên sông, nếu có đầy đủ 3 bộ phận sàn, mái và tường thì cũng được tính là nhà ở nếu riêng biệt và có lối vào trực tiếp. Tức là, nếu một hộ ở trong một công trình xây dựng có 3 bộ phận tường, mái và sàn, được xác định là có nhà ở. Có nơi ở chưa thành căn nhà, nhưng có vách, có lối đi riêng như một số trường hợp sống ở gầm cầu thang có vách, có cửa ra vào thì tính là có nơi ở. 39 hộ không có nhà ở là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè, gồm 1 hộ ở quận 1, 1 hộ ở quận 4 và 37 hộ ở huyện Cần Giờ”, ông Võ Thanh Sang trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng.
Thế nhưng, theo ghi nhận có nhiều trường hợp ở các quận khác (không phải ở quận 1, 4 và huyện Cần Giờ như thống kê), không có nhà ở. Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Văn Chúc (tức Ba Chúc, SN 1957, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, người chuyên cứu những người nhảy cầu Bình Lợi tự tử), cùng vợ và cháu ngoại sống trên chiếc ghe sát mé sông Sài Gòn từ hàng chục năm qua. Đối chiếu với định nghĩa như ông Sang trả lời: “Nhà bè trên sông, nếu có đầy đủ 3 bộ phận sàn, mái và tường thì cũng được tính là nhà”. Nhưng ghe của ông Chúc lại… không có tường, vậy có thể gọi là nhà ở được không?
Hay ở góc đường Bãi Sậy - Gò Công (phường 13, quận 5) có một số hộ dân dọn hẳn giường, chăn màn, chiếu gối ra vỉa hè rồi dựng tấm bạt để sửa xe, bán hàng và ăn, ngủ, nghỉ ngay tại đây. Vậy những trường hợp ngủ “lề đường” như vậy có gọi là có nhà ở hay có nơi ở? Trong khi họ không phải là người lang thang hay ăn xin.
Một hộ dân khác giăng bạt nhựa để hành nghề sửa xe. Bên cạnh (trong vòng tròn) là giường để ngủ cùng các vật dụng sinh hoạt. |
Đặc biệt, trường hợp vợ chồng anh Bùi Thái Phương, Nguyễn Thị Kim Loan (2 anh chị làm nghề tài xế và tiếp viên xe buýt tuyến số 19 (Công viên 23/9, quận 1 đi Đại học Quốc gia, quận Thủ Đức) sống trên xe buýt. Vậy xe buýt có được gọi là nhà ở hay nơi ở?
Và nếu có dịp, ai “tò mò” về số liệu cả TP chỉ có 39 hộ dân không có nhà ở, nơi ở. Hãy thử đi 1 vòng trên đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ quận 5 về quận 8 và ngược lại - không cần quận 1 vì đã công bố trong số liệu), hãy nhìn về phía ven hàng rào bờ kênh và ven đường sẽ thấy rất nhiều hộ gia đình dựng tấm bạt, trải chiếc giường xếp để nằm (phía ven kênh - PV), rồi ăn uống, mắc màn ngủ qua đêm ngay trên vỉa hè. Trong khi tại những nơi đó hoàn toàn… không có cửa.
Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Võ Thanh Sang trả lời đấy chỉ mới là kết quả sơ bộ. Dự kiến, trong quý 4 năm 2019, mới có kết quả chính thức. Qua năm 2020, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh mới sẽ có kết quả sâu hơn, ra ấn phẩm chuyên sâu phân tích các số liệu, kết quả điều tra cụ thể.
Được biết, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, cứ 10 năm thực hiện một lần. Trước khi thực hiện điều tra, mỗi phường, xã, thị trấn (TP Hồ Chí Minh có trên 300 phường, xã, thị trấn) tuyển chọn từ 20 - 30 người có vốn hiểu biết để tham gia. Sau đó những người được chọn đi tập huấn, tiếp đến là khâu in ấn bảng hỏi… Như vậy kinh phí bỏ ra thực hiện cuộc tổng điều tra là rất lớn.