Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh chi tiền hỗ trợ đợt 3 thông qua app SafeID Delivery

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 7.347 tỷ đồng hỗ trợ đợt 3 cho những người gặp khó khăn vì dịch Covid-19, sẽ được TP Hồ Chí Minh triển khai qua ứng dụng App SafeID Delivery do Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển.

Theo đó, thời gian chi trả hỗ trợ đợt 3 sẽ diễn ra từ ngày 1/10 đến 15/10/2021 cho khoảng 7,347 triệu người dân TP Hồ Chí Minh, với kinh phí ước 7.347 tỷ đồng.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung thẩm định và hoàn tất phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 3 trước ngày 26/9, và gửi về QTSC để đưa lên hệ thống thông tin quản lý chi trả trên phạm vi toàn TP trước 11 giờ ngày 27/9/2021.
 Người dân TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng Covid -19 được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Nguồn ảnh: Thành uỷ TP Hồ Chí Minh 
Đồng thời chỉ đạo chủ tịch UBND 312 xã, phường, thị trấn phải lập danh sách nhân sự phụ trách thực hiện chính sách hỗ trợ đợt 3 (mỗi phường, xã 40 người) gửi Công ty QTSC để được cung cấp tài khoản, hướng dẫn cài đặt và sử dụng điện thoại khi thực hiện chi trả.
UBND TP đã giao cho QTSC tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thực hiện chi trả đợt 3 vào ngày 25/9. 
UBND TP yêu cầu các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, đối chiếu và chi trả hỗ trợ cho người dân.
Đảm bảo nguyên tắc chi đúng, chi đủ, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú và công khai minh bạch. 
Mức hỗ trợ đợt 3 là 1 triệu đồng/người và chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo đăng ký của người dân. 
TP sẽ không hỗ trợ cho người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.
5 nhóm hỗ trợ đợt 3 gồm:
1. Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn;
2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
3. Người phụ thuộc của đối tượng 2, gồm cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
4. Cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
5. Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và có mặt trên địa bàn.
TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng cho phép "mở cửa" theo quy định riêng
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.
Văn bản nêu rõ TP đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP, UBND TP kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
UBND TP cũng mong Chính phủ quan tâm ưu tiên vaccine cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn.

Theo đó, hướng dẫn có 3 chỉ số bắt buộc và yêu cầu đánh giá, gồm:
-Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19;
-100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% số xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng;
-Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.