Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” kéo dài nửa tháng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”, là một trong 19 sự kiện lễ hội, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp quảng bá các sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Ngày 1/12, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, bà Lý Thị Phương Nhanh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin UBND quận 8 cho biết, chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Ất Tỵ năm 2025, sẽ được tổ chức từ ngày 14/1/2025 đến 28/1/2025 (ngày 15 đến 29 tháng Chạp), trên đường Nguyễn Văn Của và Bến Bình Đông (phường 13 và 14, quận 8).

Trong thời gian diễn ra chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền", hằng đêm trên kênh Tàu Hũ (đoạn có chợ Hoa Xuân) lung linh ánh đèn. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).
Trong thời gian diễn ra chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền", hằng đêm trên kênh Tàu Hũ (đoạn có chợ Hoa Xuân) lung linh ánh đèn. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).
Hằng đêm tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”, nghệ sĩ trình diễn “Đờn ca tài tử” trên những chiếc ghe chạy dọc kênh Tàu Hũ. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  
Hằng đêm tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”, nghệ sĩ trình diễn “Đờn ca tài tử” trên những chiếc ghe chạy dọc kênh Tàu Hũ. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  

Cũng như mọi năm, điểm nhấn của "Trên bến dưới thuyền" là chợ hoa trên kênh Tàu Hũ, tái hiện sinh động khung cảnh Tết truyền thống của miền sông nước Nam Bộ. Với quy mô 689 gian hàng (gồm 634 gian hàng hoa kiểng, 55 gian hàng trái cây, rau củ), chợ Hoa Xuân không chỉ là nơi giao thương, mà còn là điểm đến lý tưởng để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong không khí Xuân ngập tràn sức sống.

Du khách thuê “ông đồ” vẽ chữ "Bình An" tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  
Du khách thuê “ông đồ” vẽ chữ "Bình An" tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  
Chị bán vé số cùng con nhỏ đến chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" mua chữ "Bình An"  cho gia đình mình. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  
Chị bán vé số cùng con nhỏ đến chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" mua chữ "Bình An"  cho gia đình mình. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).  

Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 19 giờ tối 24/1/2025, với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, được truyền hình trực tiếp. Từ sau lễ khai mạc kéo dài đến đêm 27/1/2025, có chương trình “Đờn ca tài tử” do các nghệ sĩ biểu diễn trên những chiếc ghe bầu di chuyển dọc theo kênh Tàu Hũ.

Tại sân khấu chính, từ ngày 24/1/2025 - 27/1/2025, có các chương trình nghệ thuật kết hợp giữa nhạc dân gian, dân tộc và nhạc trẻ hiện đại, đáp ứng thị hiếu của mọi lứa tuổi.

Tiểu cảnh nhà lá Nam Bộ bên cánh đồng lúa.
Tiểu cảnh nhà lá Nam Bộ bên cánh đồng lúa.

Cũng theo bà Phương Nhanh, chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” năm 2025 sẽ có những tiểu cảnh mang đậm sắc Xuân và nét đẹp văn hóa, như: không gian hoa Đà Lạt với chủ đề “Đà Lạt–Bản giao hưởng sắc màu”, tái hiện vẻ đẹp của TP ngàn hoa. Con đường di sản phi vật thể tỉnh Vĩnh Long tôn vinh văn hóa truyền thống qua những tiểu cảnh, hình ảnh: nhà lá, cổng đình Thần An Bình, làng nghề làm tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh), làng nghề chằm nón lá (huyện Long Hồ).

Thi viết thư pháp tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”.
Thi viết thư pháp tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”.
Những ai viết chữ đẹp đều có thể đăng ký thi viết thư pháp tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”.
Những ai viết chữ đẹp đều có thể đăng ký thi viết thư pháp tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”.

Tại khu nhà cổ Bến Bình Đông, được thiết kế “Đường hoa nghĩa tình”, cạnh đó là “Phố ông đồ” với những người viết thư pháp mừng Xuân mới. Còn trên cầu đi bộ số 7, được trang trí dàn đèn nghệ thuật lung linh, với những chiếc đèn hoa sen sẽ được thả trên kênh Tàu Hũ.

Ban dêm trên cầu bộ hành số 7 (nối quận 6 với quận 8) rực rỡ đèn hoa. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).
Ban dêm trên cầu bộ hành số 7 (nối quận 6 với quận 8) rực rỡ đèn hoa. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).

Tại chợ Hoa Xuân còn tổ chức thi sáng tác ca khúc và bài vọng cổ với chủ đề du Xuân “Trên bến dưới thuyền”; thi ảnh nghệ thuật lần thứ 12 với chủ đề chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”; thi viết thư pháp chữ Việt với chủ đề “Nét bút mừng Xuân”; thi “Chích chòe đất hót múa đón Xuân” và thi trang trí “Nhà hoa”.

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm gói và nấu bánh Tét, được thưởng thức các món đặc sản vùng miền, từ hương vị đậm đà của miền Bắc, sự tinh tế của miền Trung đến nét dân dã, phong phú của ẩm thực miền Nam.

“Đường hoa nghĩa tình” tại khu nhà cổ trên Bến Bình Đông. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).
“Đường hoa nghĩa tình” tại khu nhà cổ trên Bến Bình Đông. Ảnh: Tân Tiến (tư liệu).

Chợ Hoa Xuân năm 2025, cũng có khu vực giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm OCOP của các tỉnh thành, như: “Đặc sản nông sản của tỉnh Bình Phước”, “Sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận”, “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị đặc biệt”, Đồng Tháp với “Rạng ngời sắc sen”, Vĩnh Long với “Điểm hẹn Phương Nam”, Bến Tre với “Sắc Xuân xứ dừa”, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với “Đà Lạt–Bản giao hưởng sắc màu”, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) với “Hương sắc miền Tây”, “Gian hàng sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định”, “Gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum” và cuối cùng là “Ngôi nhà chung TP Hồ Chí Minh”.