Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo Sở Y tế, các khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch, tuân thủ quy tắc "5K" của Bộ Y tế. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ cũng được hoạt động nhưng tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ mà chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến.
Người giao hàng phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét trong khi chờ lấy hàng.
Các khu vực kinh doanh dịch vụ ngoài loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động.
Hàng hoá không phải lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm... ở chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải ngưng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 |
"Các chợ truyền thống tuân thủ nghiêm quy định trong công tác phòng, chống dịch; bảo đảm thực hiện tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch theo quy định đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại chợ trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ của chợ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm bảo đảm việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch", văn bản của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu rõ.
Đồng thời, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ban quản lý các chợ truyền thống triển khai đối với tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết, bảo đảm ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc và thời gian giao dịch.
Triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ, bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét cho người dân khi thực hiện mua sắm.
Khuyến khích thương nhân, tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, thông qua kênh mạng xã hội (như Zalo, Viber, Facebook…), chuyển hàng trực tiếp đến các địa điểm tiêu thụ… và hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.
Riêng đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí… nhằm bảo đảm việc giãn cách theo đúng quy định của Bộ Y tế trong trường hợp cần thiết.
Đối với các chợ không có nhà lồng, đơn vị quản lý chợ xem xét việc bảo đảm quy định phòng, chống dịch, tuân thủ quy tắc "5K". Theo đó, đối với các tiểu thương do đơn vị quản lý cần thực hiện việc kẻ vạch, phân rõ khu vực điểm kinh doanh trên cơ sở đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 mét cho người dân khi thực hiện tham gia mua sắm.
Trong trường hợp xét thấy không thể bảo đảm quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc "5K", UBND địa phương xem xét tạm ngưng hoạt động đối với chợ truyền thống không có nhà lồng trên địa bàn. Bên cạnh đó, đối với các điểm kinh doanh tự phát xung quanh, đơn vị quản lý chợ thông tin cụ thể cho UBND địa phương để có hướng xử lý.
Hàng hóa đầy ắp ở siêu thị Sau 2 ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 10 siết chặt, tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, phải dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát, theo ghi nhận phần lớn người dân chuyển sang đi chợ truyền thống, các cửa hàng thực phẩm, siêu thị nhiều. Sáng ngày 22/6, tại các siêu thị như Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh), Lotte Mart (quận 7, TP Hồ Chí Minh) và siêu thị GO! (BigC) Nguyễn Thị Thập (quận 7, TP Hồ Chí Minh) hay một số cửa hàng Bách Hóa Xanh, Satrafood... lượng khách đông hơn, lượng hàng hóa mua cũng nhiều hơn. Nhìn chung, lượng hàng hóa n tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP luôn phong phú về chủng loại, sản phẩm và giá cả bình ổn. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn được khuyến mãi, giảm giá so với trước. Chẳng hạn như giá bơ B034 còn 30.000 đồng/kg, đùi bò bít tết từ 29.300 đồng/100 gr còn 24.900 đồng/100 gr; chanh không hạt giá 16.900 đồng/túi 500 gr, khuyến mãi mua 1 tặng, cá hồi phi lê đông lạnh từ 399.000 đồng/kg xuống 349.000 đồng/kg; cải thảo Đà Lạt từ 17.500 đồng/kg xuống 12.900 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt từ 17.900 đồng/kg còn 13.900 đồng/kg; ổi giống Đài Loan từ 11.900 đồng/kg còn 8.500 đồng/kg... |