TP Hồ Chí Minh: Chống ngập không chỉ bằng hô hào

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận mưa lớn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ vào tối 26/8, gây tê liệt gần như toàn bộ TP Hồ Chí Minh từ giao thông đến sinh hoạt, kinh doanh của đô thị lớn vào bậc nhất nước này.

Công cuộc chống ngập đã được bàn thảo cách đây hơn chục năm, với nhiều dự án “khủng” có tổng số vốn đầu tư lên đến cả trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng trận mưa lớn trong tối 26/8 toàn TP Hồ Chí Minh, thì với thông tin được TP công bố là “chỉ còn có 66 điểm ngập trong năm 2015” có lẽ đã không còn đúng nữa. Đó có thể nói là một buổi tối khủng khiếp với người dân thành phố này, khi đâu đâu cũng ngập, tất cả các nơi đều ngập.
Đường tắc cứng do mưa ngập
Đường tắc cứng do mưa ngập
Nhiều khu vực trước đây chưa xảy ra tình trạng ngập, nhưng sau trận mưa lớn vào tối ngày 26/8 cũng đã bị ngập sâu đến tê liệt. Sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực trọng yếu của thành phố và của cả quốc gia, nước dâng, làm ảnh hưởng đến 70 chuyến bay, quả là điều xưa nay chưa bao giờ thấy.

Những dấu hiệu đó đủ để người dân đặt câu hỏi về năng lực chống ngập của TP này và nhất là về các dự án chống ngập hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm qua, và mới đây TP Hồ Chí Minh còn đề nghị Chính phủ duyệt cho nguồn vốn ODA chống ngập lên đến 100 tỷ đồng, tức càng chống ngập thì số tiền của dự án sau lại lớn hơn số tiền của dự án trước.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nửa mét đe dọa an toàn bay
Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nửa mét đe dọa an toàn bay
Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm vào ngày 29/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phongđã chỉ đạo trong tháng 9 tất cả lãnh đạo thường trực ủy ban sẽ vào cuộc đi chống ngập.

Vậy có phải sau trận mưa lớn cả thành phố ngập trên diện rộng, lãnh đạo thành phố mới hô hào cán bộ khi có trời mưa lớn đi tới các khu vực ngập úng để chống ngập, liệu việc đó thực sự có đem lại hiệu quả hay không?

Để chống ngập, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng rất nhiều dự án với hàng trăm nghìn tỷ đồng, và trong những năm gần đây Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh luôn báo cáo các điểm ngập năm sau ít hơn năm trước. Điều này chỉ có thể lý giải con số điểm ngập được rút xuống vì nhiều điểm ngập được thông với nhau thành một điểm rộng. Nói như các bình luận vui trên trang Facebook, nếu trước đây thành phố có trên 100 điểm ngập thì nay chỉ còn có… 1 điểm bởi nước đã ngập toàn thành phố!

Nhiều dự án chống ngập đã “hoàn thành”, tức là đã chi tiền xong. Nhưng cứ một trận mưa lớn đã chứng minh được dự án đó có hiệu quả hay không, hay là đem tiền bỏ vào… nước cống.
Một hầm để xe của chung cư ngập trong nước
Một hầm để xe của chung cư ngập trong nước
Thực tế việc chống ngập của thành phố vẫn mang tính chất chắp vá, thiếu đồng bộ, ngăn chỗ này đắp chỗ kia. Đó là điều dù lãnh đạo thành phố có né tránh, dù có viện dẫn hàng chục dự án quy mô với hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, vẫn không thể chối cãi được. Thậm chí, chính việc nêu ra những con số khổng lồ kia, lại khiến cho người ta có cơ sở để đánh giá về khả năng quy hoạch, khả năng quy hoạch đô thị của các bộ chuyên môn, của các nhà quản lý, lãnh đạo thành phố này.

Ông bà ta xưa đã nhắc nhở cảnh báo “Nước đến chân mới nhảy” và vẫn luôn căn dặn “Nước xa không cứu được lửa gần”. TP Hồ Chí Minh đang mùa mưa, những dự án tiền tỷ vẫn không làm cho nước thoát được, chưa rõ bằng cách nào, trong tháng 9 này, khi mưa xuống, các cán bộ lãnh đạo thành phố có phép "hô phong, hoán vũ" để chống được ngập, như chỉ đạo của người đứng đầu TP?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần