Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với dịch Covid-19

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP đã chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với dịch Covid-19 ngay cả khi có biến chủng mới.

98% học sinh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19
Chiều 29/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn và một số vấn đề được dư luận quan tâm.
 Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh, có sự giám sát của phụ huynh
Ông Trịnh Duy Trọng - đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết: "Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo, hướng dẫn cho các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng cho việc đón học sinh đi học trở lại. Đối với các cơ sở giáo dục được trưng dụng để làm cơ sở phòng, chống dịch, hiện tại các trường đang tiếp nhận lại để sửa chữa, sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong thời gian tới. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường xây dựng phương án, diễn tập phương án phòng, chống dịch ngay thời điểm hiện tại và khi học sinh đi học trở lại. Trong phương án diễn tập, kịch bản có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên".
Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, tính đến ngày 26/11 vẫn còn 124 cơ sở giáo dục đang được sử dụng để làm cơ sở phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối tuần trước, các quận huyện báo cáo về là đã sẵn sàng để trả lại các cơ sở giáo dục này. Các cơ sở giáo dục sau khi được trả về sẽ được các quận huyện tiến hành sửa chữa và chi trả kinh phí sửa chữa.
Thông tin về tình hình tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi 12-17, theo ông Trịnh Duy Trọng, số liệu thống kê cho thấy có 93% phụ huynh đồng thuận để chích vaccine cho học sinh. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, tỷ lệ đồng thuận đã lên đến 98% (612.000 học sinh đã được tiêm). Đến thời điểm hiện nay, các quận huyện đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục cũng phối hợp tiêm bổ sung mũi 1 cho các học sinh chưa tiêm.
Nhiều kịch bản sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19
Ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo cho biết, hiện tại dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang ở cấp độ 2. Có 4 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, số ca mắc mới còn cao, dao động trong khoảng 1.400 đến 1.700 ca/ngày; Thứ 2, số ca tử vong do Covid-19 vẫn đang cao, các ngày vừa qua lần lượt là 60, 65 và 72; Thứ ba, số ca nhập viện trong những ngày qua luôn hơn số ca xuất viên; Thứ tư, biến chủng mới Omicron.

“TP Hồ Chí Minh khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch, nhiều tuần liên tiếp dịch Covid-19 trên địa bàn ở cấp độ 2. TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Người dân không nên hoang mang nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế về phòng, chống dịch; Thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất thói quen sở thích của mình như giảm tụ tập, la cà; giữ khoảng cách… để thích ứng với tình hình mới” - ông Phạm Đức Hải khẳng định.
Báo chí đã đặt ra hàng loạt các vấn đề cho ngành y tế như, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị gì để ứng phó với biến chủng Omicron?
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, biến chủng Omicron được phát hiện ngày 9/11 tại Châu Phi. Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang khẩn trương để hiểu rõ hơn, nghiên cứu đánh giá khả năng lây truyền, độ nặng của triệu chứng, khả năng phòng vệ của vaccine… Đối với TP Hồ Chí Minh, việc ứng phó với biến chủng Omicron vẫn do Bộ Y tế làm đầu mối, TP theo dõi sát sao chỉ đạo của Bộ Y tế.
Ông Phạm Đức Hải cho biết, cho dù Omicron là biến chủng gì đi chăng nữa thì nó vẫn là bệnh lây qua đường hô hấp, vì vậy người dân vẫn phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K, giảm la cà, tụ tập… UBND TP Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị rất lớn như, giao cho Sở Y tế thường xuyên theo dõi chỉ đạo của Bộ Y tế; Chuẩn bị các kịch bản như xây dựng các bệnh viện dã chiến, tiêm vaccine… đó là công tác ứng phó với Covid-19. Trong chiến lược ứng phó với Covid-19, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn y tế công – tư, kết hợp đông y – tây y trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và phối hợp giữa quân y và y tế dân sự để ứng phó với Covid-19.