Theo đó, việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo sự thống nhất với các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa nguồn lực xã hộ.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển ngành theo hướng hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, giảm tác động đến môi trường, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật để quản lý, thúc đẩy chuyển đổi số.
TP Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể đưa ngành logistics trở thành ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngoài ra cũng hướng tới việc trở thành trung tâm dịch vụ logistics quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP phát triển ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thông minh, bền vững, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới và là trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đồng ý với đề xuất của TP Hồ Chí Minh về việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dựa trên kết quả nghiên cứu về nhu cầu vận tải và quy hoạch cảng biển đến năm 2050.
Được biết, dự án cảng Cần Giờ cần tổng vốn đầu tư khoảng 128.000 tỉ đồng, chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư 38.500 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu. Giai đoạn 2 (sau 2030) hoàn thành 13-15 cầu cảng và 2 bến sà lan với kinh phí gần 90.000 tỉ đồng.
Dự án dự trù 240 tỉ đồng cho giai đoạn 1 và 1.400 tỉ đồng cho giai đoạn 2 để đầu tư hạ tầng, chủ yếu từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Các dự án hạ tầng liên quan sẽ được đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc theo hình thức PPP.