Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện cho người dân đi lại

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành và Sở GTVT các tỉnh thành về việc tạo điều kiện cho người dân di chuyển. Theo đó, các trường hợp được tạo điều kiện là các trường hợp đã được Sở GTVT TP cấp giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết.

Cụ thể, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, đang thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 30/9 của UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Đồng thời, hiện nay UBND TP đã phân công Sở GTVT là cơ quan đầu mối, chủ trì hướng dẫn và xem xét giải quyết các trường hợp cấp thiết cần được lưu thông giữa TP và các tỉnh, TP.
 Dòng người chờ ở chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh để được về quê. Ảnh: Phạm Hùng 
Sau đó, Sở GTVT đã có công văn ngày 7/10 hướng dẫn người dân đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết.
Việc đăng ký được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT tại địa chỉ https://thongtinsgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen. Kết quả giải quyết trường hợp đơn được chấp thuận như sau:
Người làm đơn sẽ nhận được file PDF của giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết có mã QR. Mã QR này nhằm phục vụ cơ quan chức năng kiểm tra. Khi quét mã QR, sẽ nhận được các thông tin chi tiết của người dân đã đăng ký di chuyển.
Người làm đơn, người cùng đi trên phương tiện mang theo giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết (bản giấy hoặc bản điện tử lưu trong điện thoại thông minh) khi lưu thông trên đường.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề nghị Công an các tỉnh, TP và Sở GTVT các tỉnh, TP chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết.
Đồng thời phối hợp kiểm soát đảm bảo đúng đối tượng di chuyển và hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TP, mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng vừa có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến trên địa bàn giai đoạn sau 1/10.

Cụ thể, các bệnh viện dã chiến của TP sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Trong đó, các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ ngừng hoạt động sau cùng (cuối tháng 12/2021) do được đầu tư hệ thống nguồn oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động.
Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5) cũng nằm trong danh sách do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm TP (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).
Theo Sở Y tế TP trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận, huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn, giúp điều trị F0 có triệu chứng và góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố.
Tính đến ngày 8/10, TP có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.
Mô hình bệnh viện dã chiến quận, huyện càng phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Nhất là trong giai đoạn chuyển đổi công năng khám chữa bệnh của các bệnh viện. Do đó, TP vẫn rất cần các bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận cách ly F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Theo kế hoạch, các quận, huyện sẽ thành lập bệnh viện dã chiến, với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện, trong đó có 30-50 giường oxy. Cơ sở nào sử dụng hạ tầng là trường học sẽ chuẩn bị phương án di dời sang địa điểm mới, ưu tiên sử dụng nguồn đất công để có thể sử dụng lâu dài.
Ngành y tế TP nhấn mạnh mặc dù các cơ sở này gần như hoàn thành "sứ mệnh" trong giai đoạn dịch bệnh của thành phố, việc duy trì bệnh viện dã chiến là nhu cầu tất yếu trước mắt, cũng là chiến lược lâu dài trong tình hình mới.