Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh đề xuất chi 886 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/6, tại kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã báo cáo tờ trình của UBND TP về một số chế độ, chính sách, đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo tin tức
Theo Tờ trình, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ 80.000 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 đến hết năm 2021. Mức hỗ trợ một lần là 1.800.000 đồng/người.
Tờ trình cũng đề nghị HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua chính sách hỗ trợ cho khoảng 15.000 người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi sẽ được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người.
20.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến hết năm 2021, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được đề xuất hỗ trợ một lần là 1.800.000 đồng/người.
Ngoài ra, dự tính có khoảng 4.000 người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi thuộc đối tượng này được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người.
Một nhóm đối tượng khác là hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động liên tục từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5 đến hết năm 2021 được đề xuất hỗ trợ một lần 2 triệu đồng/hộ (có khoảng 10.000 hộ).
Đối với lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội cũng sẽ được hỗ trợ. Điều kiện để được hưởng gồm: Đăng ký tạm trú tại địa phương, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, làm một trong các công việc như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; Bán lẻ vé số lưu động;
Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày ngày 30/5, ước tính có khoảng 230.000 người, mức hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng. Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/người/ngày áp dụng trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Thương nhân tại các chợ truyền thống tại chợ hạng 1 sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng, từ tháng 7/2021.
Trong tờ trình UBND TP còn đề xuất hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho người bị cách ly y tế, quy định tại điểm b, khoản 5, điều 1 nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số đặc thù trong phòng, chống dịch... Người tham gia công tác phòng, chống dịch là đối tượng quy định tại khoản 5, điều 2 nghị quyết số 16/NQ-CP và các lực lượng trực tiếp khác được đề xuất hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.
Theo UBND TPđề xuất tổng kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là 886 tỉ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách TP Hồ Chí Minh.
Dự kiến, ngày mai (25/6), HĐND TP khóa X sẽ chính thức thông qua tờ trình về một số chế độ, chính sách, đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động.