Theo đó, tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên các công trình, tòa nhà diễn ra ở TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay. Phần lớn hình vẽ theo phong trào graffiti (vẽ tranh đường phố) khá phổ biến trên thế giới. Hồi tháng 6, tàu Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại depot Long Bình, TP Thủ Đức cũng bị sơn vẽ nhiều hình thù.
Đáng chú ý, mới đây, cầu Thủ Thiêm 2 là biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng, dài gần 1,5km với 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức qua quận 1, bị bôi bẩn sau 3 tháng khánh thành.
Cụ thể, sau khi đưa vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 2 đã thu hút được nhiều người dân đến tham quan, check-in. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng khánh thành, cây cầu đã bị bôi bẩn bởi các hình phun sơn gây mất mỹ quan đô thị.
"Với cầu Thủ Thiêm 2, hiện nay Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh đang bảo hành theo hợp đồng về mặt kỹ thuật khi quản lý bảo trì. Việc xóa các vết sơn này rất khó khăn, cho đến nay Sở GTVT đã thử khoảng 14 loại dung môi nhưng vẫn chưa tẩy xóa hết các vết vẽ bẩn" - Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, thời gian tới sẽ nghiên cứu sơn chống dính ở các vị trí hay bị vẽ bậy trên cầu Thủ Thiêm 2. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, lắp đặt thêm camera giám sát tại cầu Thủ Thiêm 2 để ngăn nạn vẽ bậy.
Đồng thời, ngành giao thông thành phố kiến nghị cần phải sơn chống dính trên bề mặt cầu lớn như Thủ Thiêm, Thủ Thiêm 2, Bình Lợi, Sài Gòn, Sài Gòn 2, Tân Thuận 1, Tân Thuận 2... 3 năm trước, Sở GTVT đã thí điểm sơn chuyên dụng chống dính trên một số công trình, song giá thành khoảng 300.000 đồng mỗi m2, cao hơn nhiều so với sơn thông thường nên chưa triển khai.
Liên quan đến việc này, trước đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng xử lý vụ cầu Thủ Thiêm 2 bị vẽ bậy, báo cáo UBND TP trước ngày 30/8.