Theo đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Toàn Thắng đề xuất chính sách giảm 50% học phí cho con của người lao động trực tiếp thu gom rác đang theo học tại các trường công lập mẫu giáo và phổ thông trên địa bàn TP.
Đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác được đánh giá nhân văn, nhưng vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều |
Bên cạnh đó, người lao động sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề tối đa không quá 5 triệu đồng/người/khoá (đối với khoá đào tạo trung cấp và sơ cấp) và đồng phục 3 bộ/người/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết ghi nhận các đề xuất và giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục lắng nghe ý kiến, sớm bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết.
Ông Phong cũng yêu cầu các sở ban ngành, khẩn trương đề xuất, bổ sung cơ sở pháp lý cũng như mức hỗ trợ vào dự thảo chính sách hỗ trợ gửi về Sở Tài Nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 10/12/2019.
Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất giảm 50% học phí, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn nữa vì hiện nay những học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang được giảm 50% học phí trong nhà trường.
Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nêu cụ thể đề xuất, và kiến nghị Sở Lao động & Thương binh Xã hội đưa danh sách học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo đang thu gom rác cho ngành giáo dục.
Bà Thu cũng băn khoăn, con em của những công nhân đang thu gom rác dưới cống có được hưởng chính sách không vì trong trường học có nhiều đối tượng này nhưng chưa thấy nói đến. Và những gia đình không có hộ khẩu ở TP nhưng có sổ nghèo, cận nghèo ở các tỉnh, thành khác thì chính sách có áp dụng không?
Làm nghề thu gom rác tại (quận 6) hơn chục năm, chị Thu Trang (43 tuổi) cho biết, vô cùng phấn khởi, vui mừng khi nghe được đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác.
“Nghèo khổ, thiếu thốn, không có công việc khác tốt hơn tôi mới phải chọn công việc thu gom rác. Dù tính chất công việc này là bẩn, là mệt, thức khuya dậy sớm, tôi vẫn vui vì thu nhập ổn định. Đồng tiền kiếm được từ công việc thu gom rác rất vất vả nhưng bù lại chúng tôi được nhà nước quan tâm. Nếu đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác thành hiện thực, sẽ là động lực vô cùng to lớn để tôi tiếp tục yên tâm gắn bó với công việc, vì tin chắc rằng con đường học tập của 2 con đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ các cấp chính quyền, hi vọng các cháu sẽ có tương lai tốt hơn”, chị Thu Trang nói.
Đồng quan điểm với chị Trang, anh Nguyễn Công Thành (làm nghề thu gom rác tại quận 3) hào hứng: “Tôi có 3 con nhỏ đang theo học tại TP, một năm hai vợ chồng tôi phải chắt chiu, nhịn ăn nhịn mặc mới đủ tiền trang trải cho việc học của các con. Chưa kể, còn tiền học thêm anh văn, toán… và rất nhiều những khoản chi phí sinh hoạt khác. Nếu được giảm 50% học phí, sẽ hỗ trợ cho gia đình tôi và các con rất nhiều. Để kiếm tiền tôi không ngại làm nghề thu gom rác, nhưng sau 8 năm gắn bó, mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc, tôi vui lắm vì góp được một phần nhỏ giúp TP ngày càng sạch đẹp hơn”, anh Thành chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành, đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác cũng vấp phải những ý kiến bất đồng.
Cô Thu Thuỷ (ngụ quận 3) cho rằng, đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác rất nhân văn, tuy nhiên chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế của TP.
“Tôi nói thẳng, với tư cách là một công dân của TP, với các anh chị làm công việc thu gom rác tôi luôn trân trọng và biết ơn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng làm nghề thu gom rác đem lại khoản thu nhập ổn định, thậm chí cao hơn nhiều ngành nghề khác. Đùng một cái, giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác, liệu có cần thiết hay không? Khi mà người nghèo, không công ăn việc làm tại TP không phải là ít”, cô Thuỷ nhấn mạnh.
Bác Nguyễn Thanh Hùng (ngụ quận Bình Thạnh) tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác.
“Nếu TP có đủ kinh phí, có đủ điều kiện để chia sẻ cho việc học tập của con em các anh chị là nghề thu gom rác là việc đáng hoan nghênh. Vấn đề là cần phải xem xét đến việc ưu tiên cho đối tượng nào trước, đối tượng nào sau, người nghèo, trẻ em thang lang thất học ở TP không phải là ít. Ngoài ra, cần phải tránh trường hợp lợi dụng, trục lợi từ đề xuất này”, bác Hùng nói.
TP Hồ Chí Minh có thể mất hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm để xử lý rác Năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP sẽ lên đến 13.000 tấn mỗi ngày thay vì 9.000 tấn như hiện nay. Theo quy định hiện hành của TP, giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách Nhà nước từ năm 2022 trở đi là 475 đồng/kg. Tức là, với 13.000 tấn rác, TP có thể mất tối đa hơn 6,1 tỷ đồng/ngày để xử lý rác vào năm 2025, tương đương trên 2.200 tỷ/năm. Hiện tại, toàn thành phố chỉ có 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) quy mô 614 ha và Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) quy mô 687 ha. Do đó, các công nghệ chôn lấp rác và tái chế được áp dụng từ 15 năm trước tại TP đến nay đã không còn phù hợp. Trước thực tế này, Chủ tịch cho biết TP, Nguyễn Thành Phong đang mời gọi nhà đầu tư để ứng dụng công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thủ tục thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, hướng tới năm 2020 chôn lấp 50% rác và đốt 50% còn lại. |