Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Đến năm 2020, 50% rác thải sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa phát triển nhanh, TP hồ Chí Minh đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trong đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong 7 chương trình đột phá của TP.

Ngày 26/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo về "Định hướng của TP về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện". Hướng tới năm 2020, 50% rác thải sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Giám đốc Sở TNMT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Huy Chương
Hiện nay, xử lý chất thải của TP chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phướng pháp đốt nhưng chưa thu hồi được năng lượng, một phần chất thải được phân loại để sản xuất phân bón và tái chế, nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của TP.
Trong năm 2018, tổng khổi lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển của TP Hồ Chí Minh hơn 3 triệu tấn. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt xử lý dưới dạng chôn lấp hơn 2,2 triệu tấn chiếm 72,52%
Vì vậy, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh, TP Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.
Theo kế hoạch Nghị quyết 03/NQ-HĐND của HĐND TP từ nay đến 2020 tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến năm 2020, TP sẽ cấp phép 3 đơn vị xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện gồm: Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty CP Vietstar và Công ty Môi trường Tasco Củ Chi.
Những nhà máy đốt rác phát điện này được đầu tư xây dựng theo công nghệ tiên tiến đến từ châu Âu. Theo đó, công nghệ này sẽ thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Giảm lượng chất thải nếu đem chôn lấp; giảm diện tích đất chôn lấp; tạo năng lượng xanh. Giảm phát thải khí nhà kính. Ít nước rỉ thải, kiểm soát mùi dễ hơn.
Ông Ngô Xuân Tiệc - Tổng Giám đốc công ty Tâm Sinh Nghĩa. Ảnh: Huy Chương
Theo Tổng Giám đốc công ty Tâm Sinh Nghĩa Ngô Xuân Tiệc, hiện nhà máy Tâm Sinh Nghĩa đang xử lý 1.300 tấn rác/ngày đêm. Việc chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện của TP là một chủ trương rất tốt. Hiện nay, các thủ tục giấy phép để xây dựng nhà máy mới đã có. Dự kiến tháng 10/2019, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng nhà máy mới chuyển đổi công nghệ đốt rác rát điện trên diện tích 20ha. Dự kiến 18 tháng hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Còn Giám đốc Vietstar Ngô Như Hùng Việt cho biết, tương lại nhà máy của công ty có 5 dây chuyền, 1 dây chuyền xử lý được 2.000 tấn /1 ngày.
Về khó khăn trong việc phân loại rác từ nguồn, Giám đốc công ty môi trường Tasco Củ Chi  Châu Phước Minh cho biết, hiện nay, việc phân loại từ nguồn, từ người dân chưa thực hiện nên công ty phải trực tiếp phân loại theo kỷ thuật máy móc được nhập từ châu Âu.
Để giải quyết vấn đề xử lý rác đầu nguồn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, tùy vào đặc thù từng quận huyện để thu gom rác thải. Hiện nay các điểm trung chuyển đã có xe thu gom phân loại, rác vô cơ và rác hữu cơ theo quy trình. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện chưa tốt. TP đã phân cấp về quận huyện, từ quận huyện phân cấp về phường xã. Phường xã sẽ thực hiện đến các hộ gia đình, tùy theo đặc thù để thực hiện.
Được biết, nguồn kinh phí đầu tư xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện sẽ do các nhà đầu tư bỏ ra.